Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024

Thanh tra

Gửi Email In trang Lưu
Nhiều tiệm vàng vẫn vi phạm quy định mua bán vàng

22/09/2016 07:44

Tại hội thảo “Giải đáp những vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trang sức” diễn ra ngày 21/9, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM cho biết, hiện nhiều tiệm vàng đang kinh doanh theo cách mua vàng của chành (lò) về, bỏ tem nhãn, giấy kiểm định chất lượng hàng, rồi gắn tên của tiệm mình lên. Đây là cách làm vi phạm quy định mua bán vàng, doanh nghiệp (DN) không nên duy trì.

 Ông Dưng cho biết, theo kết luận sơ bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả kiểm tra hơn 1.000 DN kinh doanh vàng trên cả nước thì các lỗi về sai sót về quy định nhãn, thông tin cơ sở của sản phẩm, độ chính xác của cân đo chiếm nhiều, còn vi phạm về hàm lượng vàng chỉ rất ít, khoảng hơn 10%. Do đó có thể thấy các DN đang tuân thủ tốt các quy định về chất lượng vàng theo tinh thần của Nghị định 22/2013/TT-BKHCN. Ngoài ra, các DN cũng ý thức được thương hiệu là vấn đề sống còn của mình. Từ đó, người kinh doanh đã rất quan tâm và chú trọng về chuyện thương hiệu thông qua đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp.

Theo ông Dưng, dù tuân thủ các quy định về chất lượng vàng nhưng tại TP.HCM, phần đông các DN mua bán vàng đều có quy mô nhỏ nên nhiều quy định của ngành vàng ban hành lâu nhưng người kinh doanh vẫn vi phạm. Hiện các tiệm vàng chủ yếu mua bán vàng nữ trang là nhiều. Nhiều nơi còn làm theo cách mua vàng của chành về, bỏ tem nhãn, giấy kiểm định chất lượng hàng lượng vàng của chành, rồi gắn tên của tiệm mình lên. Đây là cách làm vi phạm quy định mua bán vàng và DN không nên duy trì.

Ông Phan Văn Đồng, đại diện Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thông tin, các DN nên cố gắng thực hiện đúng các tiêu chuẩn mà Thông tư 22 đã quy định. Những DN mua bán không đủ điều kiện chế tác lại sẽ khiến việc xử lý hàng tồn theo quy định rất khó. Tuy nhiên, các DN mua bán không được phép tự chế tác, đóng mã ký hiệu trên vàng. Chỉ những DN có đủ tiêu chuẩn được phép chế tác thì mới thực hiện được khâu đưa ra các tiêu chuẩn cơ bản của sản phẩm vàng nữ trang. Khi đó, DN có thể kiểm tra về hàm lượng vàng và chất lượng rồi tiến hành đóng chất lượng, tên nhãn lên sản phẩm để bán ra thị trường. Trường hợp, người kinh doanh vàng không tuân thủ thì khi bị kiểm tra phát hiện lỗi vi phạm sẽ phải chịu xử lý theo quy định pháp luật.

Trước những quy định trên, nhiều ý kiến cho rằng, các tiệm vàng không trực tiếp sản xuất nếu phạt người bán thì thiệt cho những tiệm vàng quá. Tuy nhiên, ông Đồng khẳng định, cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ xử phạt tiệm. Nếu tiệm giữ được các chứng từ về chất lương sản phẩm thì yêu cầu nhà sản xuất bồi thường. Vì theo quy định nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình cung cấp.

Còn theo ông Dưng, pháp luật quy định người bán sẽ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình cung cấp cho khách hàng. Do vậy, các đơn vị kinh doanh phải làm việc chặt chẽ về các tiêu chuẩn, điều khoản với chành, nhà chế tác vàng.

Theo Báo Công Thương Điện tử

Tin khác

Thanh tra gắn với tuyên truyền, quản lí lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ (16/09/2016 07:53)

Công tác kiểm tra định kỳ về hoạt động điện lực tại các huyện trong tỉnh (17/12/2014 09:56)

Thanh tra Sở Công Thương với công tác kiểm tra hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (02/10/2014 15:20)

xem tiếp