Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Kỹ thuật an toàn môi trường

Gửi Email In trang Lưu
Thức ăn đường phố: Nguy cơ mất an toàn VSTP

09/06/2016 14:55

Là loại thức ăn được bày bán ở vỉa hè, lề đường, được chế biến sẵn hoặc sẵn sàng chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng ăn tại chỗ; rất tiện lợi, giá cả phải chăng, tiết kiệm thời gian và đa dạng, hấp dẫn... nên từ lâu thức ăn đường phố (TAĐP) đã trở thành một phần thiết yếu trong đời sống của người dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng vấn đề về an toàn VSTP đối với loại thức ăn này đang đặt ra nhiều câu hỏi với ngành chức năng và cả người tiêu dùng.

Quán thịt nướng trên đường Trần Phú (phường Minh Khai) không có tủ đựng và không được che đậy cẩn thận nguy cơ bị mất an toàn VSTP cao.

 Dạo một vòng quanh thành phố Hà Giang vào mỗi sáng sớm hoặc giờ tan tầm buổi chiều, không khó để quan sát thấy hàng trăm cơ sở kinh doanh TAĐP hoạt động nhộn nhịp. Tại đây, học sinh chen chúc mua ăn cho kịp giờ đến lớp, người lớn hối hả mua ăn tại chỗ hoặc vội vã mang về nhà cho kịp giờ làm..., mà hầu như tất cả họ đều không mấy quan tâm đến vấn đề an toàn VSTP.

Trên địa bàn thành phố Hà Giang hiện có 248 cơ sở kinh doanh TAĐP. Được biết, thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn VSTP luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương; việc thanh, kiểm tra và tuyên truyền về đảm bảo VSTP được thực hiện thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại 159 cơ sở, trong đó có 133 cơ sở đạt yêu cầu, 26 cơ sở không đạt yêu cầu bị nhắc nhở; tổ chức 158 buổi truyền thông trực tiếp với trên 13.000 người tham dự..., đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người kinh doanh TAĐP và ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Dự, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang cho biết: “Tình hình an toàn VSTP từ TAĐP trên địa bàn thành phố được quản lý chặt chẽ, ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh ATTP. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở kinh doanh ngoài bản cam kết phải có sổ nhật ký ghi chép đầy đủ các loại thực phẩm sử dụng để chế biến thức ăn hàng ngày”. Tuy nhiên vấn đề kiểm soát nguồn gốc các loại thực phẩm được dùng để chế biến TAĐP, lãnh đạo Trung tâm Y tế cũng bày tỏ lo ngại, khó khăn vì khó quản lý.Mặc dù công tác thanh, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, các cơ sở kinh doanh được đánh giá là không vi phạm về an toàn VSTP, cơ sở vật chất tuy có đáp ứng yêu cầu..., nhưng điều mà chúng ta dễ dàng nhận thấy đối với loại thức ăn này là “lợi bất cấp hại”. Bên cạnh sự tiện lợi luôn đi kèm với nguy cơ tiềm ẩn về ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe bởi đa số các cơ sở kinh doanh này thường sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc; đặc biệt là các mặt hàng như xúc xích, nem chua, thịt bò khô, sản phẩm đóng gói, chế biến sẵn và đủ các loại chất phụ gia trôi nổi trên thị trường không được kiểm soát; bên cạnh đó do sự đa dạng, cơ động, tạm thời nên rất khó quản lý.

Em Nuyễn Thị Lành (phường Trần Phú) chia sẻ với chúng tôi khi đang chờ mua chè thập cẩm bên vỉa hè: “Em thường xuyên ăn vặt ở các quán ăn vỉa hè; chè, nước mía, xúc xích, thịt nướng... đều là những món em thích vì chúng ngon, không mất thời gian. Em và các bạn thường vào các hàng quán bên đường khi mình có nhu cầu ăn chứ không quan tâm lắm đến việc họ chế biến như thế nào”.Một người kinh doanh TAĐP trên đường Nguyễn Thái Học (phường Minh Khai) cho biết: Họ ký cam kết thực hiện các điều kiện an toàn VSTP, đáp ứng yêu cầu của cơ quan chức năng. Nhưng khi được hỏi về nguồn gốc các loại thực phẩm dùng để chế biến TAĐP, người này cũng chỉ trả lời mua ở chợ hoặc các đại lý bán đồ chế biến sẵn mà mặc nhiên không cần quan tâm nó có nguồn gốc từ đâu.Việc sử dụng TAĐP trở thành thói quen khó bỏ của nhiều người dân, nó trở thành loại hình dịch vụ thức ăn rất được ưa chuộng hiện nay; tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo văn minh đô thị, tránh những nguy cơ ngộ độc có thể xẩy ra, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần vào cuộc, siết chặt quản lý hơn nữa việc kinh doanh TAĐP; người tiêu dùng hãy sáng suốt nói không với thức ăn bẩn, không rõ nguồn gốc để thực phẩm bẩn không còn cơ hội len lỏi vào cuộc sống.

Theo Báo Hà Giang

Tin khác

Hành lang pháp lý vững chắc cho kinh doanh LPG (02/06/2016 08:02)

Tăng cường hợp tác về năng lượng sạch giữa Việt Nam – Hoa Kỳ (30/07/2015 15:00)

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển công nghiệp khai khoáng và bảo vệ môi trường (20/05/2015 15:10)

Khai giảng lớp tập huấn kiến thức chung về an toàn thực phẩm (25/03/2015 17:43)

xem tiếp