Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Kỹ thuật an toàn môi trường

Gửi Email In trang Lưu
Hành lang pháp lý vững chắc cho kinh doanh LPG

02/06/2016 08:02

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế Nghị định 107/2009/NĐ-CP. Với nhiều điểm mới, Nghị định 19 được kỳ vọng tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động kinh doanh khí.

 Tại Hội nghị giới thiệu điểm mới của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP và Thông tư số 03/2016/TT-BCT về kinh doanh khí, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, sau một thời gian vận hành, Nghị định 107 đã bộc lộ một số điểm hạn chế: Chưa cụ thể và chưa sát với thực tế hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Đặc biệt, các điều kiện về số lượng chai LPG và kho chứa LPG quá lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp và lãng phí tài sản đầu tư của xã hội. Nghị định 19 ra đời đã điều chỉnh một số điều kiện cho phù hợp thực tiễn.

Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng chiết nạp trái phép, chiếm dụng, cưa tai, mài vỏ chai LPG làm mất an toàn, ảnh hưởng tới tính mạng người tiêu dùng, Nghị định 19 quy định trạm nạp LPG vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Tổng đại lý kinh doanh LPG được ký với 3 thương nhân đầu mối kinh doanh LPG; đại lý kinh doanh LPG được ký với 3 thương nhân đầu mối kinh doanh LPG hoặc 1 tổng đại lý.

Hầu hết ý kiến tại hội nghị đều đồng tình với những điểm mới của Nghị định 19. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, nghị định này còn có một số điểm chưa hợp lý.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Giang cho hay, số lượng bình LPG được quy định trong Nghị định 19 dù đã giảm bớt nhưng vẫn nhiều nếu so với sức tiêu thụ của một địa phương vùng sâu, vùng xa như Hà Giang. Theo đó, con số phù hợp chỉ nên từ 80.000 – 130.000 chai LPG.

Ông Tạ Quang Hậu - Sở Công Thương Hà Nam - cho hay, cán bộ, nhân viên cửa hàng kinh doanh LPG phải được Công an tỉnh, thành phố kiểm tra, cấp chứng chỉ về phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên của cửa hàng LPG cũng được yêu cầu có chứng chỉ an toàn về môi trường. Nếu Nghị định 19 có thể tích hợp các chứng chỉ này làm một, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp.

Trước những đề xuất này, ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh: Nghị định 19 được xây dựng dựa trên quy mô của cả thị trường, vì lợi ích chung chứ không thể thỏa mãn từng địa phương riêng lẻ. Vì vậy, các địa phương cần có liên kết vùng, tạo nên những doanh nghiệp đủ lớn, đủ lực để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.

Theo Báo Công thương

Tin khác

Tăng cường hợp tác về năng lượng sạch giữa Việt Nam – Hoa Kỳ (30/07/2015 15:00)

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển công nghiệp khai khoáng và bảo vệ môi trường (20/05/2015 15:10)

Khai giảng lớp tập huấn kiến thức chung về an toàn thực phẩm (25/03/2015 17:43)

xem tiếp