Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Thị trường trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Phó Thủ tướng Chính phủ phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình giá thịt lợn

18/12/2019 23:00

Tại văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 do Văn phòng Chính phủ vừa công bố, Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

 Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.

pho thu tuong chinh phu phe binh bo nong nghiep va phat trien nong thon ve tinh hinh gia thit lon
Giá thịt lợn vẫn tăng cao thời gian qua

Phó Thủ tướng cũng phê bình và yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).

Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 19/11/2019, Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2020. Công tác này được hiểu là việc điều tiết thị trường, đưa sản phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu để không xảy ra tăng giá cục bộ. Nhưng trong bối cảnh nguồn cung nơi nào cũng thiếu như hiện nay thì việc điều tiết thị trường sẽ rất khó.

Đơn cử, theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đã giảm khoảng 50% so với trước khi xuất hiện dịch tả (tháng 4/2019). Số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính do không chỉ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh mà ngay cả các cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh (CP, Japfa) nên cũng làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.

Chưa kể, theo phản ánh của một số nhà phân phối, dù các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín như CP, Japfa đã cam kết phân phối ra thị trường một lượng thịt lợn nhất định, song con số phân phối ra thấp hơn so với cam kết, khiến thiếu hụt nguồn cung ra thị trường.

Dự báo nhu cầu cho tháng 12/2019 và tháng 1/2020 sẽ vào khoảng 600.000 tấn.

Có nhiều ý kiến đặt ra, với nguồn cung thiếu hụt như vậy thì tại sao Bộ Công Thương không triển khai nhập khẩu thịt lợn về để bù đắp lượng thiếu hụt? Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, việc cấp phép nhập khẩu thịt lợn không thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương mà là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y).

Qua theo dõi và thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 10/2019, cả nước nhập khẩu khoảng 17 nghìn tấn thịt lợn, tính chung 10 tháng nhập khẩu khoảng 96 nghìn tấn, tăng 102% về lượng. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu nhập là thịt cắt miếng, chân giò, móng giò… từ các nước Ba Lan, Pháp, Đức, Hoa Kỳ. Đây là các nước trong tổng số 24 nước mà Việt Nam và các nước ký thỏa thuận hợp tác thương mại 2 bên.

Con số này dù lớn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái song với sản lượng thịt lợn giảm 380 nghìn tấn so với cùng kỳ, theo đúng con số mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố thì vẫn thiếu hụt khoảng trên dưới 300 nghìn tấn.

“Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm của Bộ là ủng hộ việc nhập khẩu thịt lợn, nhưng phải theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá là nhập khẩu từ các đối tác có quan hệ thương mại hai chiều với Việt Nam, đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y. Đồng thời, nhập khẩu đúng các chủng loại thịt lợn mà người dân có nhu cầu cao trong dịp Tết” – ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

 

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

Đảm bảo cung cầu và bình ổn giá thịt lợn: Bộ Công Thương trách nhiệm đến cùng! (17/12/2019 08:38)

Giá xăng quay đầu giảm từ 15h ngày 16/12 (16/12/2019 17:02)

Chiêu trò giảm giá, xả hàng tồn cuối năm (09/12/2019 14:06)

Bộ Công Thương: Quyết liệt “chặn” thịt lợn nhập lậu (04/12/2019 12:58)

Ngăn chặn tăng giá "té nước theo mưa" (03/12/2019 15:00)

Giá gà tăng vọt (29/11/2019 09:23)

Kiểm soát chặt chống buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu (27/11/2019 09:20)

Thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp Tết, Bộ Công Thương nhanh chóng lên phương án nhập khẩu (27/11/2019 09:09)

Giá thịt lợn tăng cao: Tránh "đá bóng" trách nhiệm (25/11/2019 14:53)

Thực phẩm, hàng quán tăng giá theo thịt heo (19/11/2019 13:37)

xem tiếp