Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Chè Shan tuyết

Gửi Email In trang Lưu
Chè Shan tuyết và giấc mơ vươn tầm quốc tế

12/12/2023 07:20

Nằm ở địa đầu cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ban tặng những dãy núi cao hùng vĩ với khí hậu mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ, tạo điều kiện cho cây chè Shan tuyết sinh trưởng và phát triển. Những búp chè “tắm gió, uống sương”, trên bề mặt phủ một lớp tuyết trắng bạc, óng ánh, kết tinh trong đó là bao khát vọng của người vùng cao nhằm đưa loại chè với hương vị thơm ngon nức tiếng này vươn ra thế giới.

Mở ra con đường làm giàu

Cây chè Shan tuyết ở Hà Giang đã có từ lâu đời, gắn bó với đời sống của cộng đồng các dân tộc Dao, Mông, Tày, Nùng... Chè Shan tuyết sinh trưởng trên những dãy núi cao, trong điều kiện môi trường trong lành, khí hậu mát mẻ, nên cho ra những búp chè thơm ngon và thuần khiết. Với màu nước vàng mật bắt mắt, cùng vị chan chát, ngọt hậu và hương thơm dịu nhẹ đặc trưng, chè Shan tuyết Hà Giang đã trở thành đặc sản nức tiếng trong cả nước.

Người dân xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) thu hái chè Shan tuyết.
									 Ảnh: Nguyễn Phương
Người dân xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) thu hái chè Shan tuyết. Ảnh: Nguyễn Phương

Trước đây, người dân chủ yếu hái chè rồi sao, sấy thủ công để phục vụ nhu cầu của gia đình và đem bán lẻ, giá trị kinh tế không cao. Bà con cũng ít chú trọng khâu trồng, chăm sóc, mật độ trồng chè chưa đảm bảo dẫn đến năng suất, sản lượng đạt thấp. Nhận diện rõ chè Shan tuyết là cây trồng thế mạnh của địa phương, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây chè, như Nghị quyết 209, Nghị quyết 86 và Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp các hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ 2015 đến nay, đã hỗ trợ cho 21 hộ vay thâm canh, cải tạo vườn chè với tổng nguồn vốn trên 4,2 tỷ đồng; hỗ trợ 1 hộ vay vốn đầu tư nhà xưởng chế biến chè với kinh phí 500 triệu đồng.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã triển khai chương trình cấp chứng nhận theo các tiêu chuẩn GAP (VietGAP, Hữu cơ) cho 11.611,7 ha chè/65 vùng/63 cơ sở sản xuất. Thực hiện liên kết trên 9.000 hộ trồng chè riêng lẻ để hình thành 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP và liên kết với 24 doanh nghiệp, HTX chế biến chè để hình thành chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp, 13 HTX và 290 cơ sở, hộ kinh doanh, chế biến chè với tổng công suất chế biến khoảng 280 tấn chè búp tươi/ngày. Nhiều HTX đã được phân vùng thu mua nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật với các hộ trồng chè. Vì vậy, thu nhập của các hộ trồng chè được nâng lên đáng kể, bình quân đạt khoảng 40 – 70 triệu đồng/ha/năm.

Bà Triệu Mùi Mủi, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) cho biết: Nằm dưới dãy Tây Côn Lĩnh, với độ cao trên 1.200 mét so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm nên chè Shan tuyết của địa phương có hương vị thơm, ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp, HTX trong huyện đã thực hiện ký kết hợp đồng với các hộ trồng chè, có đầu ra ổn định và giá thành cao nên bà con rất yên tâm sản xuất. Một số hộ trong xã đã vươn lên khá giả nhờ cây chè, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Hiện thực hóa giấc mơ vươn tầm thế giới

Đến nay, toàn tỉnh có 20.296 ha chè. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh, là địa phương có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất cả nước. Từ năm 2020 đến nay, năng suất, sản lượng chè búp tươi của tỉnh luôn ổn định, đạt 47 tạ/ha, sản lượng búp tươi bình quân trên 89 nghìn tấn/năm. Ước tính năm 2022, giá trị sản xuất ngành chè đem lại đạt trên 650 tỷ đồng (theo giá hiện hành), chiếm khoảng 10% giá trị của ngành trồng trọt.

Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ tại Hội chợ thương mại hữu cơ Biofach/Vivaness 2022 diễn ra tại Đức. 
						      Ảnh: CTV
Người tiêu dùng tìm hiểu các sản phẩm của HTX Chế biến chè Phìn Hồ tại Hội chợ thương mại hữu cơ Biofach/Vivaness 2022 diễn ra tại Đức. Ảnh: CTV

Là sản phẩm sinh ra từ núi rừng cực Bắc, bằng chính chất lượng và giá trị của mình, chè Shan tuyết Hà Giang đã từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chỉ dẫn địa lý từ năm 2018. Các doanh nghiệp, HTX chế biến chè đã tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên nhiều dòng trà phong phú như: Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà, trà Shan tiên, trà Móng rồng, trà Phổ nhĩ ép bánh... Đến nay, toàn tỉnh có gần 40 sản phẩm chè của các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh được phát triển thành sản phẩm OCOP địa phương. Ấn tượng trong đó, 2 sản phẩm Trà xanh và Hồng trà hộp 100 gam của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) đã được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Cùng với đó, phần lớn diện tích chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hữu cơ, VietGAP, có mã số vùng trồng, có ISO trong sản xuất… chính là tấm “giấy thông hành” giúp chè Shan tuyết Hà Giang vươn ra thế giới.

Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, chế biến chè, đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết của Hà Giang đã từng bước vươn ra thị trường quốc tế và được người tiêu dùng đón nhận. Nhiều dòng chè đa dạng đã được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Đặc biệt, liên tiếp trong 2 năm 2018 - 2019, HTX Tây Côn Lĩnh có 5 loại trà đoạt các giải Vàng, Bạc, Đồng và Ấn tượng tại Cuộc thi Trà quốc tế tổ chức tại Pháp. Điều này một lần nữa khẳng định thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang trên trường quốc tế. Theo số liệu của Sở Công thương, từ năm 2022 đến tháng 9.2023, tổng sản lượng chè búp khô xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh Hà Giang đạt 1.279 tấn, với giá trị khoảng trên 2,3 triệu USD. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty chè Hùng An, Công ty chè Cao Bồ... trung bình hàng năm xuất khẩu đi các nước Đài Loan, châu Âu với tổng giá trị khoảng trên 3 triệu USD (không xuất khẩu qua cửa khẩu của tỉnh hoặc qua các doanh nghiệp khác ngoài tỉnh).

Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Nhằm thúc đẩy và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh quy hoạch, phát triển và quản lý vùng nguyên liệu chè gắn với cơ sở chế biến. Khuyến khích nhân dân liên kết, hợp tác theo hình thức nhóm hộ, HTX với doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết một cách bền vững. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, như điện, giao thông, thủy lợi phục vụ phát triển ngành chè. Đặc biệt, áp dụng quy trình canh tác và đầu tư chăm sóc theo chiều sâu; xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hữu cơ; thực hiện các tiêu chuẩn mới trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm chè vừa an toàn, vừa chất lượng gắn với đa dạng hóa các dòng chè nhằm giữ vững thương hiệu và đưa chè Shan tuyết Hà Giang ngày càng vươn xa trên trường quốc tế.

https://baohagiang.vn/

Tin khác

Vị Xuyên (Hà Giang): Nâng cao năng suất, chất lượng chè Shan theo hướng hàng hóa (13/11/2023 07:15)

Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho chè Shan tuyết Hà Giang (01/11/2023 07:15)

Chú trọng phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chè Shan tuyết (10/10/2023 07:40)

Chè cổ thụ cây chủ lực của người Dao ở Cao Bồ (24/08/2023 13:00)

Chè Shan tuyết “vàng xanh” miền cực Bắc (20/04/2023 07:10)

Bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang (30/12/2022 07:15)

Phụ nữ vùng cao và nghề chè Shan tuyết (05/12/2022 07:00)

Sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ thân thiện với môi trường (17/11/2022 07:00)

Chè OCOP 5 sao trên đỉnh Phìn Hồ (16/11/2022 07:10)

Chè Shan tuyết vùng cao Tiên Nguyên (16/06/2022 07:00)

xem tiếp