Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý Xuất nhập khẩu

Gửi Email In trang Lưu
Thương mại biên giới: Bước chuyển tích cực

29/11/2021 16:00

Hoạt động thương mại biên giới trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá với các nước có chung đường biên giới thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới nói chung, đặc biệt, giúp nâng cao đời sống dân cư vùng biên giới; chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

Phát triển thương mại biên giới đánh thức tiềm năng kinh tế vùng biên

Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Tuấn Long, Trưởng phòng thương mại quốc tế, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hoạt động thương mại biên giới (TMBG) góp phần tích cực trong tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước, đồng thời cung cấp nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu cho nhu cầu của đời sống sản xuất, xã hội trong nước; tạo điều kiện cho cư dân biên giới, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, cư trú lâu dài tại khu vực biên giới; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thông qua kết quả đạt được từ hoạt động TMBG thời gian qua đã tạo điều kiện cho các địa phương biên giới khai thác, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mình, liên kết được với các tỉnh, thành phố của cả nước, dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên năng động, có thế và lực cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại các địa phương biên giới.

Cùng với đó, hạ tầng cơ sở dịch vụ vùng biên giới liên tục được quan tâm đầu tư và phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hóa phục vụ TMBG được nâng cấp, mở rộng. Nhiều cặp cửa khẩu được mở và nâng cấp tạo thuận lợi giao lưu thương mại, văn hóa - xã hội qua biên giới. Các khu kinh tế cửa khẩu của các tỉnh đang dần trở thành trung tâm kinh tế - thương mại vùng biên... Đồng thời, nhiều địa phương đang trở thành cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và các nước chung biên giới.

“Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế các địa phương thời gian qua cho thấy những kết quả tích cực, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước” - ông Phạm Tuấn Long nêu.

Cũng nhờ những đóng góp của hoạt động TMBG, trong 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước.

Nông lâm, thủy sản tăng trưởng ở mức khá. Quan hệ qua biên giới được các tỉnh biên giới, chính quyền khu vực biên giới duy trì tốt thông qua các cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. “Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước” - ông Phạm Tuấn Long dẫn chứng.

Gỡ nút thắt về hạ tầng thương mại

Mặc dù các tỉnh biên giới có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thương mại, tuy nhiên kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 mới đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%).

Ông Phạm Tuấn Long cho rằng, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động TMBG gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Đến nay Việt Nam cũng như các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia đều tiếp tục phải tập trung áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; quản lý chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu.

Trong khi đó, năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới hiện nay vẫn chưa khôi phục hoàn toàn, chưa đáp ứng được lưu lượng hàng hóa thông quan đang tăng cao, nhất là những ngày gần Tết và khi vào chính vụ thu hoạch một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của ta để xuất khẩu, lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới, nhất là biên giới phía Bắc tăng cao, đã có thời điểm phát sinh tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ tại một số cửa khẩu biên giới.

Đáng chú ý, hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), đồng thời, các hạ tầng TMBG như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.

“Nguyên nhân khách quan do thiếu vốn cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…); địa bàn có địa hình khó khăn” - ông Phạm Tuấn Long phân tích.

Vì vậy, ông Long đề xuất, để có cơ sở phát triển, thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, cần có một chương trình triển khai bài bản hơn nữa nhằm khảo sát, đánh giá, xây dựng dữ liệu về hạ tầng thương mại trên tuyến biên giới. Từ đó, làm cơ sở cho các bộ, ngành chức năng, địa phương nghiên cứu tiếp tục đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại; tạo thuận lợi, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ TMBG.

Ngoài ra, địa phương cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là đô thị và công nghiệp, thương mại, đặc biệt là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới…

https://congthuong.vn/

Tin khác

Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 7 cho Hoa Kỳ (26/11/2021 08:00)

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Khẩn trương chuyển sang chính ngạch (22/11/2021 08:30)

Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam (16/11/2021 22:21)

Nông sản Việt chinh phục Australia (16/11/2021 16:25)

Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc: Cần phối hợp xây dựng chiến lược tổng thể (12/11/2021 22:01)

Ngành gỗ tự tin "về đích" (09/11/2021 16:33)

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Thích ứng với quy định mới (06/11/2021 14:00)

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khởi sắc (04/11/2021 17:33)

Nối lại chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu đón tín hiệu khả quan (03/11/2021 16:48)

Hà Giang: Điều tiết đối với phương tiện vận tải xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (03/11/2021 16:45)

xem tiếp