Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý năng lượng

Gửi Email In trang Lưu
Quy hoạch điện VIII: Phát triển ngành điện bền vững, nâng cao tự chủ về năng lượng

01/10/2021 08:09

Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước

Để giải “bài toán” an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa - chính trị phức tạp đang diễn ra trong khu vực và thế giới, việc lập Quy hoạch điện VIII vừa mang tính nhiệm vụ cấp bách, thời sự, vừa phải đảm bảo phát triển ngành điện bền vững, nâng cao khả năng tự chủ về năng lượng đất nước.

Bối cảnh nhiều khó khăn

Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên quan điểm bám sát theo Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong việc tạo đà cho ngành điện Việt Nam phát triển vững chắc và bền vững. Bên cạnh đó, tính mở và linh hoạt của Quy hoạch điện VIII cũng là những điểm mới trong cách thức tiếp cận xây dựng Đề án.

Tuy nhiên, đánh giá chung về tình hình xây dựng Quy hoạch điện VIII, theo Bộ Công Thương, Quy hoạch phát triển điện lực lần này được lập trong bối cảnh đặc biệt hơn các quy hoạch trước với nhiều khó khăn, vướng mắc đan xen. Thứ nhất, theo quy định tại Luật Quy hoạch, Quy hoạch điện VIII phải phù hợp với Quy hoạch cấp quốc gia khác, tuy nhiên, một số quy hoạch cấp quốc gia khác chưa được xây dựng như các Quy hoạch: Tổng thể quốc gia; không gian biển quốc gia; sử dụng đất quốc gia. Với đặc thù quy hoạch điện có liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định bố trí không gian của chương trình phát triển điện lực.

Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm chậm lại sự phát triển phụ tải trong 2 năm vừa qua. Quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều biến động, phụ thuộc vào các vấn đề địa - chính trị phức tạp đang diễn ra, cũng như tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới và khu vực. Chính vì vậy, việc dự báo sát diễn biến tăng trưởng phụ tải trong thời gian tới đặt ra rất nhiều thách thức.

Thứ ba, sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo dẫn tới khối lượng các dự án này được đề xuất tính toán trong Quy hoạch điện VIII vượt xa rất nhiều so với nhu cầu phụ tải giai đoạn tới năm 2025 và 2030. Hiện nay, tổng quy mô nguồn điện do các tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch tới năm 2030 ước tính gấp khoảng 3 lần so với tổng công suất cực đại của toàn quốc năm 2030 và chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam (chiếm tới 87%). Ngoài ra, các địa phương cũng đang tiếp tục đề xuất phát triển 122.200 MW các dự án LNG, trong đó khoảng 93.300 MW tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam, chiếm tới 76%.

Đây là một trong những khó khăn rất lớn trong quá trình đề xuất chương trình phát triển điện lực nhằm đáp ứng đa mục tiêu đặt ra cho chương trình, như vừa phải đáp ứng khả năng khai thác tối đa các nguồn năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng nhưng phải phù hợp với đặc điểm vận hành hệ thống điện của Việt Nam, phải đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các miền, hạn chế tối đa truyền tải liên miền gây lãng phí, đảm bảo chi phí hệ thống tối thiểu…

Thứ tư, việc tiếp tục phát triển các dự án điện than (có/chưa có chủ đầu tư) đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện đã thực hiện nhiều thủ tục chuẩn bị đầu tư nhưng đang gặp rất nhiều sức ép phải xem xét tới tính khả thi phát triển, như hiện nay nhiều nước đã cam kết không phát triển các dự án nhiệt điện than mới, các ngân hàng không chấp nhận cấp vốn cho các dự án phát triển mới, trong khi đó nguồn điện than dự kiến tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong thời gian tới…

Sẽ có những giải pháp tổng thể

Để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn tình hình kinh tế - chính trị của đất nước và định hướng chiến lược phát triển năng lượng bền vững, Quy hoạch điện VIII phải dựa trên các tài liệu thu thập được từ các Quy hoạch ngành khác đã được phê duyệt trước đây, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của các cấp trung ương, địa phương để làm cơ sở triển khai. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Quy hoạch, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi hội thảo giữa kỳ và cuối kỳ để tham vấn ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế… về các nội dung của Đề án.

Trên cơ sở dữ liệu hiện có, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương xem xét đưa vào tính toán với mục tiêu khai thác tối đa các nguồn điện do các địa phương đề xuất, nhằm bổ sung phát triển các nguồn điện mới trong thời gian tới với quy tắc chi phí hệ thống tối thiểu, giảm thiếu tối đa nguồn vốn đầu tư và đảm bảo tuân thủ Nghị quyết số 55.

Bên cạnh đó, đối với việc phát triển các dự điện than, Bộ Công Thương sẽ phân tích, đánh giá toàn diện về các dự án đã được bổ sung quy hoạch, tính khả thi phát triển trong thời gian tới, để xem xét việc phát triển các nguồn điện than phù hợp với lộ trình phát triển xanh, sạch của hệ thống điện.

Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và đưa ra những giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII có nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại tờ trình 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3/2021, tuy nhiên, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55 Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Đỗ Nga

Tin khác

Bộ Công Thương đang nghiên cứu xây dựng cơ chế phát triển năng lượng tái tạo (01/10/2021 07:02)

Minh bạch thông tin huy động công suất nguồn điện từng ngày (30/09/2021 09:20)

Phát triển năng lượng theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (29/09/2021 16:27)

Đảm bảo an toàn các nhà máy thủy điện mùa mưa lũ (23/09/2021 15:45)

Bộ Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (17/09/2021 11:02)

03 nhóm doanh nghiệp được giảm tiền điện đợt 5 do COVID-19 (09/09/2021 08:05)

Tiêu thụ điện dịp Lễ Quốc khánh giảm 4% so với cùng kỳ (07/09/2021 09:27)

Tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp (06/09/2021 09:29)

Giảm 10% tiền điện cho ba nhóm doanh nghiệp (30/08/2021 09:02)

Sở Công Thương tổ chức kiểm tra các công trình đường dây điện (28/08/2021 17:24)

xem tiếp