Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Tiết kiệm năng lượng và SX sạch hơn

Gửi Email In trang Lưu
Cải tiến chương trình đào tạo cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng theo định hướng học tập suốt đời

25/08/2021 08:18

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến.

Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá chương trình đào tạo, nhu cầu đào tạo nâng cao của cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng. Từ đó, đề xuất cải tiến chương trình đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng theo định hướng học tập suốt đời.

Ngày 20 tháng 8 năm 2021, Bộ Công Thương phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo trực tuyến tham vấn về Đề xuất cải tiến chương trình đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng theo định hướng học tập suốt đời.

Hội thảo có sự tham gia của 50 đại biểu là đại diện các Sở Công Thương, các trung tâm đào tạo, các kiểm toán viên năng lượng và các cán bộ quản lý năng lượng đến từ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hải Dũng - Phó Chánh văn Phòng TKNL ,Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương nhấn mạnh: Việc quản lý và kiểm toán năng lượng sẽ giúp cho doanh nghiệp và nhà nước chủ động hơn trong hoạch định việc sử dụng năng lượng hiệu quả. Để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng thì việc triển khai mô hình “học tập suốt đời” sẽ có giá trị vô cùng to lớn trong việc hỗ trợ người quản lý năng lượng tiếp cận các công nghệ, quy định mới về năng lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, giảm khí phát thải nhà kính.

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và hỗ trợ các nhà quản lý năng lượng, Bộ Công Thương sẽ cùng với GIZ sẽ tiến hành nghiên cứu và cải tiến mô hình đào tạo cho nhà quản lý năng lượng, ông Đặng Hải Dũng cho biết.

Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá chương trình đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng (QLNL) và kiểm toán viên năng lượng (KTVNL) hiện tại và thực tế triển khai. Đồng thời đánh giá nhu cầu đào tạo nâng cao của cán bộ QLNL và KTVNL từ đó có những khuyến nghị cải tiến chương trình đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ QLNL và KTVNL theo định hướng học tập suốt đời.

Theo Ông Markus Bissel, Trưởng hợp phần hiệu quả năng lượng Dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng – Tổ chức hợp tác phát triển Đức, để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, cần nghiên cứu và xây dựng mô hình đào tạo và cấp chứng chỉ theo định hướng “học tập suốt đời“ trong lĩnh vực quản lý năng lượng và kiểm toán năng lượng. Điều này sẽ giúp các học viên cập nhật liên tục kiến thức để cải thiện năng lực quản lý và kiểm toán năng lượng. 

Theo báo cáo tại hội thảo, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp với 3.006 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm vào năm 2019; trong đó, có 2.441 cơ sở thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo danh sách ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc bổ nhiệm cán bộ quản lý năng lượng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận và thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc 3 năm một lần. Như vậy, cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng có một vai trò quan trọng đóng góp vào hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam.

Bà Laura Lindoro, Tùy viên Năng lượng bền vững, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng chương trình đào tạo theo mô hình "học tập suốt đời" là một trong những hoạt động quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, cũng như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dữ liệu năng lượng và số hóa. 

Báo cáo tại hội thảo, đại diện Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) - cho biết hiện nay Bộ Công Thương đang giao cho các cơ sở đào tạo cùng các địa phương chủ động triển khai thực hiện công tác đào tạo, mỗi đơn vị triển khai không đồng nhất dẫn đến chất lượng đầu ra khác nhau , trong khi các quốc gia đều khuyến khích mô hình học tập suốt đời để sau khi được cấp chứng chỉ các cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên hàng năm tiếp tục tham gia đào tạo trực tuyến hay trực tiếp đểu có thể tiếp cận thông tin, công nghệ mới trong khi ở Việt Nam không có mô hình này.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề: Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng; Lộ trình cập nhật nội dung đào tạo và kì thi cấp Chứng chỉ cũng như kì thi gia hạn Chứng chỉ; Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về chương trình đào tạo và cấp Chứng chỉ cho cán bộ quản lý năng lượng và kiểm toán viên năng lượng.

Mai Anh

 

Tin khác

Tiềm năng sản xuất điện từ nguồn năng lượng sinh học (25/08/2021 08:16)

Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho nhà phố (25/08/2021 07:56)

Nghiên cứu phát triển thế hệ tiếp theo của pin mặt trời hữu cơ (25/08/2021 07:53)

Thông báo nhận hồ sơ đăng ký tham gia các Giải thưởng Hiệu quả năng lượng năm 2021 (25/08/2021 07:44)

Ý nghĩa nhãn năng lượng dán trên điều hòa (20/08/2021 11:17)

Phát động trực tuyến các Giải thưởng thuộc Chương trình VNEEP3 (20/08/2021 11:12)

Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ kiểm soát lượng điện tiêu thụ (20/08/2021 11:10)

EVN góp phần quan trọng thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia (20/08/2021 10:47)

Công nghệ thông tin thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm (20/08/2021 10:45)

Các cách tiết kiệm điện trong bối cảnh giãn cách xã hội (20/08/2021 08:53)

xem tiếp