Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Dệt vải lanh

Gửi Email In trang Lưu
Chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa

09/07/2021 07:46

Chọn những cây, con, hàng thủ công có thế mạnh để sản xuất thành hàng hoá chất lượng cao có sức cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Làm được như vậy mới đưa Tân Bắc phát triển sánh kịp với các vùng miền trong cả nước...

Chị Tải Thị Mai, HTX Thổ cẩm My Bắc, xã Tân Bắc (Quang Bình) dệt thổ cẩm.

 Tôi về xã Tân Bắc (Quang Bình) đúng dịp đồng trên, ruộng dưới người dân tất bật cấy, cày. Chị Tải Thị Mai, Giám đốc HTX Thổ cẩm thôn My Bắc tâm sự: Tôi là đời thứ tư nối nghề dệt của người Pà Thẻn để lại. Thổ cẩm là mặt hàng 100% làm bằng nguyên liệu tự nhiên. Vải dệt được kéo từ sợi tơ, màu của sợi được làm từ củ nghệ cho màu vàng, lá cơm đỏ cho màu đỏ, lá cây cơm xanh để tạo màu xanh... Khách nước ngoài về My Bắc rất thích thổ cẩm. Họ đánh giá My Bắc có sản phẩm thổ cẩm của tự nhiên và cho đó là cuộc sống xanh gắn với thiên nhiên, cây cỏ, gắn với văn hóa tộc người. Bởi thế, từ khi thành lập HTX đến nay, HTX đã bán hàng ngàn sản phẩm cho khách các nước: Bỉ, Áo, Đức, Mỹ, Anh, Pháp... Năm 2020, sản phẩm thổ cẩm My Bắc đạt chứng nhận 3 sao OCOP. Thành quả đó đã tạo động lực để chị em trong HTX thêm yêu nghề. Có khá nhiều chị em trong thôn, xã đăng ký tham gia vào HTX học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị Mai cho biết thêm: Chủ trương của HTX là, cấy xong lúa, trồng xong ngô vụ Mùa rồi bắt tay dệt thổ cẩm, chuẩn bị đón khách du lịch vào dịp cuối năm. HTX hiện đang dệt ra 6 mặt hàng thổ cẩm truyền thống của người Pà Thẻn. Nếu không có dịch CoVid – 19, làng nghề dệt thổ cẩm hôm nào cũng khoảng từ 10 – 12 thợ dệt. Mỗi bức dệt tranh treo tường, người thợ phải làm ít nhất 4 ngày công liên tục. Bình quân, mỗi tháng, một người thợ dệt được 6 bức tranh. Giá bán mỗi bức là 2 triệu đồng, tạo thu nhập đáng kể cho chị em.

Câu chuyện về cây chè Shan tuyết của người dân thôn Nà Tho, Nậm Khẳm lại quấn hút người tìm về bản. Mùa dịch bệnh CoVid - 19 hình như đang làm cho giá bán chè búp tươi của họ càng thêm đắt giá. Anh Phượng Minh Quyên, thôn Nậm Khẳm cho hay: Giá chè búp tươi hiện nay chia ra 2 loại: Chè loại 1 tôm, 2 lá, giá bán từ 20 – 25 ngàn đồng/kg; chè búp hái thông thường giá trên 13 ngàn đồng/kg. Chè Shan tuyết của Nà Tho, Nậm Khẳm đã sống qua mấy đời người để lại. Khi xưa, người dân trong bản làm chè là để uống theo nhu cầu gia đình. Khi thừa chè uống hàng ngày thì mang bán ở chợ làng. Hình thức sản xuất tự cung, tự cấp đã không mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Cách đây vài năm, người dân Nậm Khẳm, Nà Tho đã liên kết với Công ty chè Quang Bình cung cấp nguyên liệu chè búp tươi cho doanh nghiệp chế biến. Từ sự liên kết đó, cây chè Nậm Khẳm, Nà Tho mới tăng dần giá bán, tăng giá trị cây chè. Chủ tịch UBND xã Tân Bắc, Hoàng Ngọc Bền cho biết. Công ty chè Quang Bình đứng chân tại Cụm Công nghiệp Tân Bắc đã liên kết với khoảng 100 hộ dân của Nà Tho, Nậm Khẳm với hình thức: Công ty thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng chè búp tươi của 2 thôn theo giá thị trường. Người dân cam kết bán 100% toàn bộ sản lượng chè búp sau thu hái cho doanh nghiệp. Hình thức thu hái là, doanh nghiệp đặt hàng, chia theo từng loại nguyên liệu để định giá thu mua. Chính quyền cơ sở giám sát việc thực hiện của 2 bên theo đúng nguyên tắc cơ chế thị trường. Làm như vậy để doanh nghiệp không thể ép giá và người dân tuân thủ đúng thỏa thuận để “cùng tiến lên phía trước”. Chị Mai Nhung, Phụ trách Công ty chè Quang Bình cho biết: Từ ngày Công ty liên kết với bà con, doanh nghiệp đã có vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến. Lợi ích mang lại cho các bên khi liên kết là ổn định sản xuất bền vững và có cơ hội cạnh tranh trên thị trường bằng chính sản phẩm địa phương. Chè Shan tuyết Nà Tho, Nậm Khẳm được Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận là chè hữu cơ 100% tự nhiên. Năm 2020, sản phẩm chè San tuyết của doanh nghiệp được công nhận sản phẩm 3 sao OCOP. Hiện nay, Công ty đã chế biến đa dạng sản phẩm từ chè Shan tuyết thành: Trà xanh, trà đen, trà túi lọc, trà bột làm nguyên liệu mỹ phẩm, thực phẩm. Các sản phẩm trên đã, đang được bán tại các nước châu Âu, Mỹ và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Tân Bắc có 295 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 1.300 tấn chè nguyên liệu năm. Sự liên kết trong sản xuất, chế biến sẽ là điều kiện tốt nhất để hương chè Shan Tân Bắc vươn xa.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng

Tin khác

Nghề dệt vải lanh (19/07/2018 16:19)

xem tiếp