Thứ năm, Ngày 2 Tháng 5 Năm 2024

Tin trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Bộ Công Thương sẽ xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu.

22/05/2020 09:12

Bộ Công Thương sẽ xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng mã số mã vạch đối với hàng xuất khẩu. Trước mắt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định.

 Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu cứu” vì hàng hóa bị trễ tàu do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định liên quan đến mã số mã vạch (MSMV) trên bao bì.

Cụ thể, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, trong đó có nội dung: doanh nghiệp sử dụng MSMV nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh quy định này gây ra nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch hàng hóa, tốn kém nhiều chi phí.

Ngày 21/5, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các hiệp hội ngành hàng để trao đổi, lắng nghe ý kiến cụ thể của phía doanh nghiệp nhằm tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu.

 

bo cong thuong se xem xet lai quy dinh ve viec dang ky su dung ma so ma vach doi voi hang xuat khau

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các hiệp hội ngành hàng thủy sản, dệt may, da giày, mỹ phẩm\

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thủ tục đăng ký xác nhận hiện làm bằng hồ sơ giấy, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng vì mỗi lô hàng thường có nhiều mã hàng hoá, trong thời gian đó vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho khoản vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Hơn nữa, với những lô hàng yêu cầu xuất đi gấp, việc chậm trễ thời gian gây ra thiệt hại không nhỏ.

Đặc biệt, các nước nhập khẩu không có quy định tương tự nên doanh nghiệp Việt gặp khó trong việc xin hồ sơ chứng minh mã số mã vạch của khách hàng được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận theo yêu cầu của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, vấn đề cốt lõi là quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007, thông lệ quốc tế không có quy định này, việc cấp giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước.

Trước những bất cập đó, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định liên quan đến đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài đối với hàng xuất khẩu, cụ thể là Khoản 9 Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP về “bổ sung Mục 7 “Mã số mã vạch và quản lý mã số mã vạch”.

Đồng tình với quan điểm của VASEP, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Tinh dầu, Hương liệu, Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) cũng kiến nghị bỏ quy định này để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Hiện nay cơ quan Hải quan mới kiểm tra một vài doanh nghiệp. Nếu đồng loạt các doanh nghiệp phải kiểm tra thì chắc chắn dẫn đến ách tắc xuất khẩu. Riêng ngành da giày là gần 1.000 doanh nghiệp, mà một doanh nghiệp mấy trăm mã hàng, có làm nổi thủ tục không?” - Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký LEFASO đặt vấn đề.

Theo đại diện VOCA, những quy định này là không cần thiết, tốn kém nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, dẫn đến những hệ quả không nhỏ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS nêu ý kiến, trong Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 không có yêu cầu cụ thể về MSMV đối với hàng xuất khẩu, nhưng Nghị định 74 được ban hành căn cứ vào Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa lại có quy định như vậy là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là khi MSMV này không nói lên chất lượng hàng hóa, không quản lý truy xuất nguồn gốc, không có ý nghĩa bảo vệ người tiêu dùng.

Thực tế, 13 số trên quy ước MSMV GS1 bao gồm các thông tin về định danh quốc gia mà chủ hàng có trụ sở, mã của doanh nghiệp chủ hàng, mã định danh của sản phẩm do chủ hàng đặt vào để quản lý. MSMV này để các hệ thống phân phối, siêu thị quản lý hàng hóa lưu thông của họ.

Tiếp nhận những ý kiến của các Hiệp hội đại diện cho phía doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu đồng tình rằng cần xem xét lại quy định về việc đăng ký sử dụng MSMV đối với hàng xuất khẩu.

Trước đó, tại cuộc họp với các bộ liên quan về quy định này do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ xem xét nghiên cứu sửa đổi nghị định 74 về sử dụng mã nước ngoài theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay: Việc sửa Nghị định không thể làm trong ngày một, ngày hai. Trước mắt, các cơ quan quản lý sẽ triển khai các biện pháp tháo gỡ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện quy định.

“Về lâu dài, cần tách MSMV ra khỏi Nghị định 74, có thể đưa vào Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa hoặc Nghị định mới để tránh nhầm lẫn với vấn đề xác nhận chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc” - Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chung về hoạt động xuất nhập khẩu, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tìm hướng xử lý bất cập, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các ngành hàng xuất khẩu.

Nguyễn Mai

Tin khác

Xử lý 12 dự án ngành Công Thương: Kiên quyết thực hiện phá sản, giải thể nếu không có khả năng khắc phục (21/05/2020 08:08)

Bộ Công Thương triển khai các hoạt động nâng cao năng lực phòng vệ thương mại (21/05/2020 08:06)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới (21/05/2020 08:04)

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV (21/05/2020 08:00)

Honda Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển sản xuất trong nước (20/05/2020 08:47)

Ngành Công nghiệp cơ khí: Nan giải bài toán tồn tại - phát triển (20/05/2020 08:46)

Ninh Thuận: Cất cánh nhờ năng lượng tái tạo (20/05/2020 08:42)

Chống buôn lậu điện tử, điện lạnh: Mạnh tay, liên tục trấn áp (20/05/2020 08:40)

Năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C Việt Nam đạt 35 tỷ USD (20/05/2020 08:30)

Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh thành công tốt đẹp (20/05/2020 08:24)

xem tiếp