Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý năng lượng

Gửi Email In trang Lưu
EVN lên tiếng về tiền điện trong kỳ hóa đơn tháng 4 tăng

12/04/2020 15:01

Trước thông tin về hoá đơn tiền điện kỳ nộp đầu tháng 4 tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin giải thích lý do đồng thời cho biết về thời gian thực hiện giảm giá điện trong thời gian tới.

 Vì sao tiền điện trong kỳ hóa đơn tháng 4 tăng?

Trong kỳ hoá đơn tháng 4, nhiều khách hàng đã nhận được những hoá đơn của kỳ tháng 3 với số tiền tăng hơn do sản lượng điện dùng nhiều hơn.

Theo thống kê của EVN, sản lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP Hà Nội tăng 17% và TP. HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân được đưa ra là ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3 năm nay 2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ C. Khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. Đặc biệt, từ đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Do dó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.

Trên thực tế, trước những khó khăn của nguồn điện năm 2020, ngay từ đầu mùa nắng nóng, EVN đã có những khuyến cáo, tư vấn khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng, để tránh việc hóa đơn tiền điện tăng cao.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, EVN cũng chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Theo đó, các đơn vị đã thông tin lưu ý khách hàng khi điện năng tiêu thụ tăng cao so với tháng trước, để khách hàng chủ động kiểm tra việc sử dụng điện của mình. Những thông số này đã được ghi chú trong thông báo tiền điện gửi đến khách hàng; Đồng thời thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

Các Tổng công ty điện lực cũng tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, qua điện thoại hotline trong thời gian cao điểm mùa khô/nắng nóng. Thực hiện giải quyết mọi thắc mắc, khiếu nại của khách hàng, nhất là về hóa đơn tiền điện, trong vòng 24h điện lực sẽ cử nhân viên gặp gỡ, phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện.

EVN cũng khuyến nghị các khách hàng, người dân, khi có những thắc mắc, khiếu nại về hóa đơn tiền điện, hoặc có nhu cầu về dịch vụ điện, có thể liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng ngành Điện (theo khu vực), qua ứng dụng SMS, viber, Zalo, email và qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia để được hỗ trợ giải quyết.

Hiện, các Tổng công ty Điện lực luôn sẵn sàng bố trí đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, phúc tra, đối soát và có giải đáp thỏa đáng cho khách hàng, kể cả trong thời gian thực hiện “giãn cách xã hội” hiện nay.

evn len tieng ve tien dien trong ky hoa don thang 4 tang

Sẽ giảm giá khi có quyết định chính thức

Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến nhiều mặt kinh tế-xã hội của đất nước, đời sống của nhân dân, Tập đoàn đã chủ động, tích cực phòng chống dịch, bảo vệ nguồn nhân lực của ngành cũng như khách hàng; lên phương án, đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn cho công tác phòng chống dịch, cũng như các hoạt động của nền kinh tế; đồng thời miễn, giảm giá cho một số cơ sở y tế, cơ sở cách ly và đơn vị liên quan đến công tác phòng chống dịch.

Tập đoàn đã có báo cáo, đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương và Chính phủ để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện trong thời gian dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra. Bộ Công Thương cũng đã chính thức đề xuất Chính phủ phương án giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 năm 2020 tại văn bản số 41/NQ-CP ngày 9/4/2020, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 theo đề xuất của Bộ Công Thương tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 01 tháng 4 năm 2020.

Đến nay, EVN vẫn đang chờ quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Tập đoàn EVN và các đơn vị cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện việc giảm giá điện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, để đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, việc giảm giá điện cần sớm được thực hiện để giảm bớt áp lực chi phí cho các gia đình trong lúc khó khăn, thậm chí có thể tính toán đẩy sớm hơn.

Để kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng điện, ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, nhất là thời điểm nắng nóng, EVN đề nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm và thực hành tiết kiệm điện theo các biện pháp mà Bộ Công Thương và EVN đã khuyến cáo như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, điều hoà nhiệt độ làm mát chỉ đặt từ 26 độ trở lên…. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên để vừa tiết kiệm điện, không khí lưu thông, giúp làm giảm mật độ virus, vi khuẩn lây bệnh nếu có.

Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, với vai trò quản lý ngành điện, Bộ Công Thương đã đề xuất giảm giá điện 10% trong 3 tháng. Đồng thời Bộ cũng đã hoàn tất dự thảo quyết định triển khai, tuy nhiên, để tính toán tác động cụ thể cho phương án giảm theo đúng quy định của pháp luật, cần có ý kiến từ các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan khác mới có thể ra quyết định cuối cùng để thực thi.

Theo Báo Công Thương

Tin khác

Giá mua điện mặt trời mái nhà 1.943 đồng/kWh (07/04/2020 14:37)

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN không tăng giá điện, đảm bảo cấp đủ điện cho mục tiêu kép (24/03/2020 07:50)

Điện sinh khối tại điểm giao nhận có giá từ 1.634 - 1.968 đồng/kWh (11/03/2020 14:06)

CHIỀU NAY: Tọa đàm ‘Xây dựng biểu giá bán lẻ điện: Phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam’ (06/03/2020 10:49)

Tăng huy động nguồn năng lượng tái tạo cho hệ thống điện (04/03/2020 22:02)

Bộ Công Thương lấy ý kiến 4 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (26/02/2020 08:03)

Bộ trưởng Công Thương: Cụ thể hoá Nghị quyết 55, ủng hộ địa phương làm năng lượng sạch (25/02/2020 08:54)

Quy hoạch điện VII điều chỉnh: Nguồn điện do EVN đầu tư chỉ chiếm 33,2% (24/02/2020 08:55)

Tăng nhiệt điện than bù đắp cho thuỷ điện (20/02/2020 09:55)

Nghị quyết 55-NQ/TW: Đột phá trong phát triển năng lượng (19/02/2020 08:35)

xem tiếp