Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý thương mại

Gửi Email In trang Lưu
Ngành hồ tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, tận dụng lợi thế từ các FTA

23/08/2019 09:18

Năm 2019 được đánh giá là năm rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán giảm, tăng trưởng chậm so với cùng kỳ. Để nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại, ngành hồ tiêu phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

 Đối diện sức ép lớn

Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên trong khi giá hạt tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất hạt tiêu lại có chiều hướng tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Đây cũng là lý do 7 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 201 nghìn tấn (tăng trên 32% so với cùng kỳ) nhưng giá trị lại giảm nhẹ 0,8% và chỉ đạt 514 triệu USD.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, giá hạt tiêu giảm ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, nên mặc dù lượng xuất khẩu tăng, nhưng trị giá xuất khẩu giảm mạnh. Nửa đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Nguyên nhân là do nhu cầu thế giới hiện khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2 - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8 - 10%. Sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2018 đạt 557.000 tấn và dự kiến đạt 602.000 tấn năm 2019. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.

Tại Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu đã có không còn ở thời hoàng kim như những năm trước do chất lượng một phần hạt tiêu bị ảnh hưởng từ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức nên giá giảm hơn so với hạt tiêu một số quốc gia khác.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu hồ tiêu sau thời gian liên tục tăng từ năm 2000 đến năm 2016 thì 3 năm trở lại đây đã liên tục giảm.

Về năng suất, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng thì nay nhiều quốc gia như Braxin, Ấn Độ, Indonesia đã trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam, trong đó hạt tiêu Braxin có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

nganh ho tieu doi moi mo hinh tang truong tan dung loi the tu cac fta
Cải thiện chất lượng hồ tiêu để ngành tăng trưởng bền vững. Ảnh mình họa

Cơ hội lớn từ các FTA

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết gần đây (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)) được cho là “cứu cánh” cho ngành hồ tiêu. Bởi lẽ theo cam kết của các FTA mức thuế suất cho mặt hàng hồ tiêu vào các nước thành viên trong nội khối sẽ được giảm đáng kể ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với mặt hàng hạt tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm: Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hạt tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hạt tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, có thể nói hạt tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP (đặc biệt là đối với 03 nước chưa có Hiệp định thương mại nào với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru).

Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 09.04) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).

Đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển

Để giữ được vị thế số 1 thế giới cho ngành hồ tiêu Việt Nam và tận dụng được lợi thế từ các FTA, nhiều ý kiến cho rằng ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Trên thực tế thì ngành hồ tiêu đã được định hướng không tăng diện tích, tái cơ cấu ngành hồ tiêu theo hướng thâm canh bền vững (giảm hoá chất (thuốc bảo vệ thực vật), áp dụng IPM trong sản xuất) và hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm; từ đó đưa hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu.

Tuy nhiên để định hướng này đi vào thực tế chính người nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất chặt chẽ, còn các doanh nghiệp chế biến tiêu xuất khẩu cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thanh trùng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA; chú trọng đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020…

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng phải được chú trọng hơn. Liên quan vấn đề này, đại diện của Cục Xuất nhập khẩu cho biết Bộ Công Thương đã và đang tích cực thực hiện công tác quảng bá hạt tiêu ở thị trường nước ngoài đồng thời hỗ trợ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của mình, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU. Các chương trình xúc tiến thương mại này được triển khai trên cơ sở thường xuyên, định kỳ đã và sẽ tạo cơ hội thiết thực cho các doanh nghiệp củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu về chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu, cách thức nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do, bao gồm cả các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP… góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu bền vững nông sản nói chung và hạt tiêu nói riêng của Việt Nam.

Để tìm giải pháp, hướng đi phát triển bền vững cho ngành hồ tiêu, ngày 23/8/2019, tại tỉnh Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông, Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các Hiệp định thương mại tự do”. Tại hội nghị này các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng nhau đánh giá thực trạng sản xuất hồ tiêu, đưa ra giải pháp tái cơ cấu ngành này trong thời gian tới.

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

Cảnh báo hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với sản phẩm, dịch vụ của JEUNESSE khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (23/08/2019 09:15)

Khai thác hiệu quả các FTA (23/08/2019 09:02)

Cách nào giảm rủi ro khi xuất khẩu qua thương mại điện tử? (21/08/2019 08:47)

Các nhà bán lẻ Việt đang trỗi dậy (19/08/2019 14:16)

Phòng vệ thương mại: Xây dựng chương trình tổng thể (08/08/2019 08:19)

Bộ Công Thương công bố dự thảo quy định ‘hàng Việt Nam’ (02/08/2019 14:09)

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Xóa 'điểm trắng' hàng Việt (31/07/2019 08:46)

CPI 7 tháng tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây (30/07/2019 08:28)

Củng cố nội lực để tận dụng ưu đãi từ FTA (25/07/2019 14:34)

Xín Mần quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp (19/07/2019 14:29)

xem tiếp