Thứ ba, Ngày 7 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý công nghiệp

Gửi Email In trang Lưu
Chuyển dịch quy mô công nghiệp chế biến nhỏ sang hướng sản xuất hàng hóa

22/03/2024 07:00

Ngành công nghiệp chế biến của tỉnh đang từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn kết giữa vùng nguyên liệu với các cơ sở chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành trong những năm gần đây.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ cở chế biến. Với điều kiện, đặc thù của vùng miền, tỉnh đang tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, cải thiện sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ. Các nhóm sản phẩm ưu tiên, chủ lực gồm có: Chè, lâm sản, nông sản và thực phẩm. Mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Ngay từ những tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến đã có những khởi sắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì ổn định.

Người lao động Công ty TNHH Thạch Duy, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) vận chuyển gỗ ván ép phục vụ xuất khẩu.
Người lao động Công ty TNHH Thạch Duy, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) vận chuyển gỗ ván ép phục vụ xuất khẩu.

Hà Giang là địa phương có diện tích chè xếp vào tốp đầu của cả nước với hơn 21.000 ha. Nhiều năm qua, cây chè đã giúp không ít các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Xác định đây là cây trọng điểm trong phát triển kinh tế, tỉnh đã có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân tham gia vào sản xuất chè theo chuỗi liên kết. Đến nay, đã có 257 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, sử dụng nguồn nguyên liệu chè búp tươi trên địa bàn để sơ chế, chế biến chè. Tổng công suất chế biến chè đạt khoảng 14.320 tấn/năm, trong đó, các nhà máy quy mô công nghiệp chế biến đạt trên 8.000 sản phẩm/năm. Các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chú trọng vào đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm nên tạo dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhiều sản phẩm như: Chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Phổ Nhĩ được xuất khẩu sang nước ngoài.

Tận dụng nguồn nguyên liệu và nhân lực dồi dào, tỉnh cũng phát triển mạnh công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ với 190 cơ sở. Các cơ sở chế biến gỗ có ở hầu khắp các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Sản phẩm chế biến chủ yếu là ván ép, ghép thành, viên gỗ nén, gỗ xẻ, gỗ bóc, dăm gỗ, giấy, gỗ mộc gia dụng. Cùng với sự phát triển của các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản, hàng trăm lao động của địa phương đã có việc làm và thu nhập đạt 5 - 7 triệu đồng/tháng, người có kỹ thuật, tay nghề cao có thể đạt 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc thu hút các doanh nghiệp đến sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Bình Vàng (Vị Xuyên), Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang), dự kiến sẽ có 2 dự án mới tại Cụm công nghiệp Tân Bắc (Quang Bình) trong năm nay.

Ông Trịnh Kim Thành, Quản lý Công ty TNHH Thạch Duy, thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) cho biết: “Công ty sản xuất chế biến gỗ thành sản phẩm gỗ ép, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Nguyên liệu là gỗ keo nhập ở một số nơi của huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và của tỉnh Tuyên Quang. Phân xưởng có 2 tổ sản xuất, trong dây chuyền ép có khoảng 40 - 50 người, tổ bốc vác 10 người. Những ngày qua, thời tiếp đẹp nên phơi ván gỗ thuận lợi, mỗi ngày thu được gần chục tấn gỗ ván ép. Không khí làm việc tại các tổ, đội rất nhộn nhịp, khẩn trương và những chuyến hàng xuất khẩu đều đặn, cho thấy những tín hiệu tươi sáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành gỗ thời điểm này”.

Đối với công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, bên cạnh các cơ sở quy mô tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các nhà máy chế biến nông sản công suất lớn như: Công ty TNHH Hùng Hà (Bắc Quang) công suất chế biến đạt 480 tấn sản phẩm nông sản/năm; Nhà máy chế biến nông, lâm sản Việt Vinh (Bắc Quang) công suất chế biến đạt 4.800 tấn sản phẩm nông sản/năm và một số cơ sở chế biến Dong riềng tại huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Để chuyển dịch công nghiệp chế biến theo hướng sản xuất hàng hóa, Sở Công thương đang tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chủ động tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Đồng thời, triển khai các Đề án khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, cải tiến, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối cung cầu, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh.

https://baohagiang.vn

Tin khác

Đề xuất 6 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất (21/03/2024 07:35)

Sắp diễn ra hai triển lãm quốc tế trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp mỏ và năng lượng điện (21/03/2024 07:15)

Ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam tầm nhìn đến 2045 (21/03/2024 07:00)

Nghị định mới cho phát triển cụm công nghiệp (18/03/2024 10:18)

Quy định mới về điều kiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (18/03/2024 00:00)

Sắp trình Chính phủ Đề án phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn (28/02/2024 20:08)

Sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng ở 60 địa phương (20/02/2024 14:18)

Sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng ở 60 địa phương (20/02/2024 14:00)

Hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng-quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024 của ngành Công Thương (16/02/2024 07:50)

Hà Giang: Khôi phục tăng trưởng ngành công nghiệp khai khoáng (11/02/2024 13:30)

xem tiếp