Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý thương mại

Gửi Email In trang Lưu
Đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi “vùng trũng” trong phát triển thương mại

12/04/2024 14:18

Đó là ý phát biểu nhấn mạnh của đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương tại Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức sáng nay (12/4) tại thành phố Lào Cai.

T3.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai; lãnh đạo UBND các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; lãnh đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất - nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics…

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Mạng lưới giao thông vận tải của vùng đang được đầu tư, nâng cấp nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.

T4.jpg
Đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị.

Thời gian qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các lợi thế trên, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất - nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, trong năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và hơn 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của cả nước, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và hơn 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tồn tại một số hạn chế lớn. Đó là quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước, xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020.

 

T1.jpg
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai dự hội nghị.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng. Đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn với một số địa phương đầu tàu có tốc độ phát triển nhanh hơn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai. Lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp. Việc phát triển doanh nghiệp trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ doanh nghiệp hơn 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng.

T.jpg
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các lợi thế trên, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất - nhập khẩu của đất nước.

Quy mô sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng còn nhỏ lẻ, khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hoạt động hết công suất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Lĩnh vực công nghiệp mới tập trung chủ yếu ở số ít địa phương có thế mạnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ với các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, cơ khí, chế biến nông sản, dệt may, da giày.

Tại khu vực Tây Bắc chủ yếu phát triển thủy điện ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và công nghiệp khai khoáng tại các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên… Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn. Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế do khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế - xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng… Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất - nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của vùng ra thế giới.

Theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng cần có định hướng và tầm nhìn phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu xanh của cả nước. Mục tiêu đến năm 2030, vùng cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Thủ đô Hà Nội, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng và nông nghiệp giá trị cao, hữu cơ, đặc sản, kinh tế cửa khẩu, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,5 - 9%/năm…

 

Để đạt được các mục tiêu nêu trên trong dài hạn và với bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra thách thức mới đối với sự phát triển của vùng, đòi hỏi có tư duy mới, tầm nhìn mới, tâm thế phát triển mới.

T2.jpg
Các đại biểu dự hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, với nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất - nhập khẩu cho vùng, các tỉnh trong vùng cùng tập trung trao đổi và bàn thảo các giải pháp tăng cường các mặt mạnh, giảm thiểu các mặt yếu nội tại của vùng để góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất - nhập khẩu của vùng khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới như: Các vấn đề về đẩy mạnh xuất khẩu một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của vùng; đưa một số địa phương trong vùng trở thành trung tâm canh tác và chế biến nông sản xuất khẩu; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao; xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hoá các hoạt động logistics hỗ trợ xuất khẩu; thúc đẩy giao thương biên giới qua các địa phương giáp giới với các nước Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào…

Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương sẽ chia sẻ những nhận định, đánh giá cụ thể, toàn diện về tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu của vùng, các giải pháp phát triển xuất - nhập khẩu, những cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm thế mạnh của vùng, hoạt động xúc tiến thương mại phát triển xuất khẩu hiệu quả trong thời gian tới với vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu dự hội nghị tham luận, nêu các sáng kiến đóng góp khả thi có thể ứng dụng nhanh và hiệu quả cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất - nhập khẩu của vùng, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ của vùng tìm được hướng đi thị trường phù hợp trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bấp bênh, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam phải đương đầu với lạm phát, lãi suất cao khiến suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại với Việt Nam…

"Thông qua hội nghị kỳ vọng thu nhận được nhiều thông tin và giải pháp giá trị, sớm góp phần đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển thương mại, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới", đồng chí Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

 

Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp vùng Trung du, miền núi phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.

Bên lề hội nghị còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng.

Tin khác

Quản lý nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ logistics: Kiến nghị từ các địa phương (08/04/2024 10:55)

Giá xăng dầu hôm nay ngày 4/4/2024: Xăng E5 RON 92 tăng; xăng RON 95 giảm nhẹ (04/04/2024 15:00)

Bộ Công Thương đề nghị góp ý dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (02/04/2024 16:00)

Cả nước chỉ còn 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa phát hành hoá đơn điện tử (02/04/2024 07:30)

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương báo cáo thực hiện quy định hóa đơn xăng dầu (30/03/2024 09:00)

Bộ Công Thương đề xuất doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu (29/03/2024 10:00)

Dự thảo sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu (29/03/2024 09:30)

Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo nóng việc thực hiện hóa đơn điện tử bản lẻ xăng dầu (29/03/2024 07:00)

Một số thông tin điều hành giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 28/3/2024 (28/03/2024 17:20)

Thủ tướng: Thực hiện nghiêm quy định về sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu (28/03/2024 07:15)

xem tiếp