Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý công nghiệp

Gửi Email In trang Lưu
Bộ Công Thương thêm “trợ lực” cho ngành ô tô

12/01/2024 07:00

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI từ các tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô.

Số lượng nhà sản xuất, cung ứng còn khiêm tốn

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Nói tới tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova (thông tin được cung cấp từ phía doanh nghiệp), thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng chỉ ra, việc linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%, và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao.

Mặt khác, tỷ lệ sở hữu ôtô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á. Ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam được nhận định vừa có thách thức, vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng linh kiện trong nước

Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thay thế Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó cập nhật, đề xuất xu hướng, lộ trình phát triển các dòng xe thế hệ mới, xe thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu sản xuất để vươn ra thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành ô tô.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra, năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục là một năm khó khăn của ngành ô tô trong nước, do đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ngành (như về lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước…) để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp ô tô nội địa trong trường hợp sản lượng tiêu thụ của ngành ô tô tiếp tục giảm.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, thu hút đầu tư FDI các Tập đoàn sản xuất ô tô và linh kiện ô tô lớn trên thế giới. Thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu. Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng ngành ô tô tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô theo các nội dung Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/1/2017 để hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước. “Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ngày càng sát sườn hơn với doanh nghiệp. Đó là những lý do một số hãng xe lớn trên thế giới gần đây có xu hướng chuyển dịch từ nhập khẩu nguyên chiếc sang lắp ráp ôtô tại Việt Nam” - ông Phạm Tuấn Anh nhìn nhận.

Ngoài ra, thời gian tới Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các dòng xe ô tô điện theo nguyên tắc áp dụng các mức ưu đãi khác nhau cho mỗi dòng xe điện hóa trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn trong ngành ô tô - đặc biệt là ô tô điện và linh kiện, phụ tùng cùng hệ thống hạ tầng cho ngành ô tô điện (như trạm sạc, cổng sạc…)” - lãnh đạo Cục Công nghiệp thông tin.

Mặt khác, thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo... của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu). Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô.

Để đạt được mục tiêu về phát triển ngành ô tô nhất là ô tô lắp ráp trong nước, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần phải có chính sách cụ thể, tăng tỉ lệ nội hóa ngành cơ khí, tăng giá trị sản xuất trong nước. Đơn cử, đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần hướng tới chuỗi giá trị gia tăng cao hơn. “Đã đến lúc cấp thiết biến đề xuất thành hành động. Đây là cách duy nhất để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam có sự thay đổi thực sự” - chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh nêu giải pháp .

 

https://congthuong.vn/

Tin khác

Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm: Đề xuất 3 nhóm chính sách (10/01/2024 07:00)

Công Thương khối địa phương: Chung sức đẩy nhanh tăng trưởng ngành (31/12/2023 07:00)

Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030 (26/12/2023 07:10)

Bộ Công Thương ban hành một số quy chuẩn mới về an toàn vật liệu nổ công nghiệp (25/12/2023 07:00)

3 giải pháp trọng tâm cho ngành công nghiệp năm 2024 (21/12/2023 14:15)

Bộ Công Thương tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP (06/12/2023 07:00)

Phê duyệt Chương trình tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 (31/10/2023 13:00)

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất quản lý riêng biệt thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử (24/10/2023 07:35)

Phát huy tinh hoa sản phẩm lanh OCOP (24/10/2023 07:10)

Bộ Công Thương: Nỗ lực tạo bệ đỡ cho công nghiệp hỗ trợ “cất cánh” (23/10/2023 07:55)

xem tiếp