Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Dược liệu

Gửi Email In trang Lưu
Hà Giang: Phát triển các loài cây dược liệu theo hướng hàng hóa

10/11/2023 07:15

Nhằm khai thác lợi thế của địa phương, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển các loài cây dược liệu theo hướng hàng hóa.

Atiso là một trong những loại cây dược liệu thế mạnh của Hà Giang

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 7/11 huyện thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì, Xín Mần và huyện vùng thấp Bắc Mê). Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, La Chí, Pu Péo, Giấy, Nùng, Lô Lô… sống tập trung tại 7 huyện nghèo.

Vì vậy, để triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án Phát triển cây dược liệu tại 7 huyện nghèo.

Theo báo cáo của ngành chức năng, hiện diện tích cây dược liệu của Hà Giang gồm trên 1.560 loài, thuộc 824 chi, 202 họ, chiếm trên 39% số loài dược liệu của cả nước. Trong đó, Hà Giang có 51 loài cây dược liệu quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam, 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp Quốc gia.

Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt và đã được các Bộ, ngành chức năng của Trung ương thẩm định với quy mô 12.581 ha, trong đó diện tích trồng mới là 5.180 ha. Tổng số vốn thực hiện Dự án là 2.932 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước 1.409 triệu đồng (chiếm 48,05 %); vốn các doanh nghiệp là 708 triệu đồng (24,14%); vốn của các tổ chức kinh tế là 576 triệu đồng (19,64%) và vốn của các hộ nông dân là 237 triệu đồng (8,08%).

Chương trình Phát triển cây dược liệu của Hà Giang được triển khai từ năm 2012, sau gần 12 năm triển khai, Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã mang lại những kết quả bước đầu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Tính đến tháng 9/2023, tổng diện tích các loài cây dược liệu đã trồng của Hà Giang đạt khoảng trên 9.850ha, chủ yếu là các loại dược liệu như: actiso, đương qui, bạch chỉ, ý dĩ, thảo quả, ấu tẩu, đỗ trọng, giảo cổ lam... Mục tiêu của Hà Giang là phấn đấu trở thành vùng trọng điểm trong phát triển các loài cây dược liệu của quốc gia. Để thực hiện mục tiêu trên, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển các loài cây dược liệu theo hướng hàng hóa.

Cụ thể, tỉnh Hà Giang triển khai xây dựng Trung tâm Bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh tại huyện Quản Bạ; đẩy mạnh nghiên cứu nhằm sản xuất các loại thuốc từ nguồn dược liệu khai thác và nuôi trồng của tỉnh; ban hành danh mục các chủng, loài dược liệu quý hiếm trên địa bàn của tỉnh; bổ sung các chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong quá trình phát triển cây dược liệu; xúc tiến quá trình giao đất cho các dự án phát triển trồng cây dược liệu tại các huyện nghèo...

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang vẫn chưa thực sự phát triển vững chắc, đặc biệt chưa có doanh nghiệp chính thức đầu tư nhà máy chế biến sâu về cây dược liệu; những vướng mắc về công tác nhân giống cây dược liệu và những vấn đề phát sinh đối với các doanh nghiệp... vẫn chưa được giải quyết kịp thời.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa, UBND tỉnh Hà Giang đã giao cho Sở Y tế là cơ quan chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh về Chương trình phát triển cây dược liệu để Sở chủ động làm việc với các ban ngành, các doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch triển khai phát triển cây dược liệu, đảm bảo lộ trình; Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu; Sở Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các chợ kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn tỉnh... Đây cũng là định hướng quan trọng được tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.

Phạm Văn Phú - Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Giang

 

Tin khác

Sản phẩm OCOP "mở lối" giúp HTX dịch vụ nông - lâm nghiệp Tổng hợp Ngọc Sơn vươn xa (15/07/2021 08:05)

HTX Cộng đồng Nặm Đăm phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (24/06/2021 08:52)

Bông Sen Vàng tiên phong phát triển chuỗi giá trị dược liệu (24/05/2021 09:59)

Dự án phát triển Dược liệu Hà Giang (18/07/2018 16:14)

Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Quản Bạ (18/07/2018 16:10)

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quản Bạ (18/07/2018 16:08)

HTX sản xuất nông nghiệp Mạnh Sơn (18/07/2018 16:00)

HTX TN Sản xuất và thương mại nông nghiệp Việt Lâm (18/07/2018 15:46)

HTX Cộng đồng Nặm Đăm (18/07/2018 15:41)

HTX Dược Liệu Nà Chang (18/07/2018 15:33)

xem tiếp