Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý công nghiệp

Gửi Email In trang Lưu
Sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP: Cú huých cho ngành công nghiệp hỗ trợ

28/08/2023 13:00

Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, CNHT ưu tiên trong vòng 10 năm, với khoản cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm cho đối tượng thuộc diện ưu đãi đầu tư.

Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Công Ty Cổ Phần Phụ Tùng Máy Số 1 (FUTU 1)

Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ ưu tiên trong vòng 10 năm, với khoản cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm cho đối tượng thuộc diện ưu đãi đầu tư.

Đề xuất cấp bù lãi suất 3%

Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…

Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên doanh nghiệp chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn, chính sách cần tạo sự đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, thu hút doanh nghiệp rót vốn xây nhà máy, từ đó tạo ra quy mô sản lượng đủ lớn, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Nhận định rõ những điểm yếu nội tại và bất cập về chính sách trước đó, Bộ Công Thương mới đây đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ... Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Hóa giải thách thức

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đã đón một lượng lớn vốn đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến lập nhà máy sản xuất, nhưng mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt vào các nhà máy của doanh nghiệp FDI còn rất hạn chế. Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - nhìn nhận, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111 về xuất cấp bù lãi suất 3% khi cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là hỗ trợ thực sự cần thiết và quan trọng đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. “Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đều được sự hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ hoặc tổ chức tài chính của nước sở tại với lãi suất rất thấp; trong khi đó, lãi suất trong nước của chúng tarất cao. Với chênh lệch đó, chúng ta đã thua từ khi sử dụng vốn để đầu tư dự án, tức là thua ngay từ bước đầu tiên. Do vậy, việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại thời điểm này là cấp thiết” - lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra.

Cùng quan điểm, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - chia sẻ, mấu chốt để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp... Song song đó, cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.

Về chiến lược, cần tăng quy mô trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. Các cơ quan nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia. “Các chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ hiện nay đã khá đầy đủ, nhưng việc thực thi chưa thật sự hiệu quả. Muốn cải thiện năng lực, mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trước hết, cần thực thi các chính sách hiện có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tập trung vào sản xuất” - đại diện Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề xuất.

Như vậy, việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 111 rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, cần được kịp thời ban hành để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không lỡ nhịp hội nhập với thế giới. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất vẫn là nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, để Việt Nam tự tin với thế giới về số lượng doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới công nghiệp toàn cầu.

Việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ là “liều thuốc” cần thiết trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn.

 

https://congthuong.vn/

Tin khác

Ban hành Danh mục công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường (23/08/2023 08:00)

Hà Giang: Gắn phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống (18/08/2023 07:35)

Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ (17/08/2023 07:00)

Những “trợ lực” cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm (11/08/2023 14:29)

Sắp diễn ra sự kiện kết nối kinh doanh B2B ngành sản xuất, chế tạo (09/08/2023 09:00)

Hà Giang: Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thị trường tiêu thụ (08/08/2023 08:05)

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (25/07/2023 07:20)

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (24/07/2023 16:02)

Kỷ niệm 20 năm thành lập Cục Công Thương địa phương: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo 5 nhiệm vụ lớn (04/07/2023 14:00)

Đề xuất 4 nhóm chính sách sửa đổi Luật Hóa chất (29/06/2023 07:00)

xem tiếp