Thứ sáu, Ngày 3 Tháng 5 Năm 2024

Mật ong Bạc Hà

Gửi Email In trang Lưu
Hà Giang: Phát triển bền vững mật ong bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn

21/08/2023 07:30

Nghề nuôi ong khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên đã hình thành từ lâu, đem lại lợi ích lớn cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Phố Cáo huyện Đồng Văn

Giống ong mà đồng bào dân tộc Mông dùng nuôi để khai thác mật hoa cây bạc hà trong tự nhiên đã trở thành giống ong nội của địa phương. Trong năm 2013, “Mật ong bạc hà” của Hà Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý.

 

Từ khi được cấp Chỉ dẫn địa lý, Mật ong bạc hà của Hà Giang không ngừng được nâng cao giá trị cũng như tạo dựng được thương hiệu trên thị trường trong nước. Với giá bán bình quân hiện nay từ 650 - 700 nghìn đồng/lít, có thời điểm tới 900 nghìn đồng/lít, nghề nuôi giống ong nội khai thác phấn hoa bạc hà đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo tiền đề đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ).

Trong nghề nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà có thể kể đến một số hộ nuôi ong điển hình như gia đình anh Cháng Thìn Lù, dân tộc Nùng ở xã Thanh Vân huyện Quản Bạ với 400 thùng ong, mỗi năm cho thu nhập 450 triệu đồng; gia đình anh Cháng Kháy Rèn, dân tộc Dao ở xã Thanh Vân huyện Quản Bạ mỗi năm thu nhập 350 triệu đồng từ nuôi ong; gia đình anh Hoàng Xuân Bách Tổ 4 thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc mỗi năm thu nhập từ nuôi ong lấy mật đạt trên 450 triệu đồng; gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh xã Pải Lủng huyện Mèo Vạc mỗi năm thu nhập khoảng 260 triệu đồng từ nghề nuôi ong lấy mật… Vì vậy, nghề nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà đã giúp nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc có nguồn thu nhập cao và ổn định, giúp họ thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giầu.

Anh Hoàng Lê Duẩn, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng huyện Mèo Vạc cho biết: Pải Lủng hiện là xã có số lượng đàn ong lớn của huyện Mèo Vạc, do lợi nhuận của nghề nuôi ong khai mật hoa bạc hà khá cao nên những năm gần đây chính quyền xã và huyện đã tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh mạnh nghề nuôi ong khai thác mật nhằm nâng cao thu nhập cho bà con và góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương. Không chỉ có xã Pải Lủng mà nhiều xã khác của huyện Mèo Vạc cũng xác đinh nghề nuôi ong là hướng đi có nguồn thu nhập cao và bền vững.

Bên cạnh đó, để giúp người dân đẩy mạnh nghề nuôi ong khai thác mật hoa bạc hà, tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ như: Xây dựng và trình các cơ quan chức năng của Trung ương trong công tác bảo tồn đàn ong nội của địa phương; xây dựng, phát triển và qui hoạch vùng trồng cây hoa bạc hà nhằm cung cấp nguồn phấn hoa cho đàn ong; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học trong phát triển và phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình khai thác và bảo quản mật ong bạc hà; đề ra các chính sách nhằm hỗ trợ người dân mở rộng qui mô phát triển đàn ong nội của địa phương (điển hình là Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Chính sách Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn ong theo hướng hàng hóa….

Tuy nhiên, nghề nuôi ong mật bạc hà tại 4 huyện cao nguyên đá của Hà Giang cũng bộc lộ một số những bất cập cần khắc phục. Đó là, trong quá trình phát triển nghề nuôi ong còn thiếu sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi, các hợp tác xã và các doanh nghiệp; quá trình nuôi ong tuy đã có hướng phát triển tập trung nhưng còn mang nặng tính tự phát với qui mô nhỏ lẻ; diện tích cây hoa bạc hà chưa đủ cho qui mô để phát triển đàn ong theo hướng tập trung; kiến thức về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho đàn ong của người dân còn nhiều hạn chế; vấn đề bảo vệ thương hiệu “Mật ong bạc hà” trước cơ chế thị trường đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các tổ chức, cá nhân, các hợp tác xã và những doanh nghiệp trong quá trình phát triển và bảo vệ uy tín của Thương hiệu.

Từ thực tiễn đó, các cơ quan chức năng của Hà Giang đã xây dựng và trình UBND tỉnh Hà Giang trong việc quản lý nhà nước về Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm “Mật ong bạc hà”; xây dựng Kế hoạch Bảo tồn giống ong nội địa phương trình các cơ quan chức năng của Trung ương; không ngừng nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ uy tín của Thương hiệu “Mật ong bạc hà” trên thị trường trong nước…

Hà Giang: Phát triển bền vững mật ong bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn
Mật ong bạc hà Mèo Vạc, một trong các sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh của Hà Giang

Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá là một trong các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh. Ngoài các chính sách khuyến khích và hỗ trợ người nuôi ong, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng qui hoạch và phát triển cây bạc hà theo qui mô tập trung.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng và trình cơ quan chức năng của Trung ương “Kế hoạch bảo tồn đàn ong nội của địa phương” nhằm phát triển ổn định và bền vững sản phẩm Mật ong bạc hà trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Phạm Văn Phú - Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Hà Giang

Tin khác

Đặc sản cao nguyên đá Hà Giang, hàng 'hot' giá đắt gấp đôi (20/05/2021 09:47)

Giới thiệu chung về Mật ong Bạc hà - Hương vị núi rừng (18/07/2018 15:13)

Hội sản xuất và kinh doanh Mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (18/07/2018 15:05)

Công ty TNHH Trường Anh (18/07/2018 15:00)

Hợp tác xã TTCN xây dựng và dịch vụ tổng hợp Thành Đô (18/07/2018 14:57)

Hợp tác xã Tuấn Dũng (18/07/2018 14:50)

Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Hưởng Cao Nguyên đá Đồng Văn (18/07/2018 14:47)

xem tiếp