Thứ năm, Ngày 16 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý thị trường

Gửi Email In trang Lưu
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn nhiều thủ đoạn buôn lậu mới

12/07/2023 07:35

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không ngày càng gia tăng. Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn nhiều thủ đoạn mới.

Toàn cảnh hội nghị

Sáng 11/7, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội tổ chức sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Tội phạm buôn lậu qua đường không, bưu chính quốc tế ngày càng gia tăng

Báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng năm của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho thấy, vấn đề nổi cộm lên là buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không ngày càng tinh vi.

Trong 6 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra hơn 12.000 vụ (tăng 14,17% so với cùng kỳ), xử lý hành chính trên 11.000 vụ vi phạm (tăng 18,12% so với cùng kỳ).

Trong đó, phát hiện, bắt giữ hơn 1.800 vụ vi phạm về buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, hơn 8.500 vụ vi phạm về gian lận thương mại. Khởi tố 111 vụ đối với 122 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, tội phạm qua đường không, bưu chính quốc tế có sự hoạt động mạnh qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển ma túy tổng hợp, sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các loại hàng hóa có giá trị cao qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Điển hình, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 20 đối tượng vận chuyển ma túy; tang vật thu giữ lên đến 642 kg ma túy.

Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra, phổ biến ở các mặt hàng như quần áo, đồ thời trang, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ tùng ô tô... Điển hình, lực lượng Công an thành phố đã khám phá thành công các đường dây, ổ nhóm sản xuất hàng giả là 1.083 sản phẩm hóa chất (keo) cấy thép giả nhãn hiệu sử dụng trong ngành xây dựng; phát hiện các đối tượng kinh doanh 5.136 sản phẩm phụ tùng ô tô giả mạo nhãn hiệu Honda có giá trị hàng tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn nhiều thủ đoạn buôn lậu mới
Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng tiêu hủy 1,5 tấn hàng không rõ nguồn gốc, bị cấm lưu thông ngày 16/6/2023

Các vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng đã được các lực lượng chức năng phát hiện kịp thời. Điển hình, ngày 13/4, Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Mê Linh phát hiện lô hàng gồm 52 tấn móng giò lợn đông lạnh đã hết hạn sử dụng, chuẩn bị được mang ra thị trường tiêu thụ có trị giá trên 1,2 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/4, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thanh Trì kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư thương mại và sản xuất Tràng Tiền số 10 phát hiện có 9.360 lon kem sữa đặc có đường quá hạn sử dụng và 29.600 que kem sữa dừa thành phẩm không đảm bảo chất lượng.

Ngày 12/6, Đội quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an quận Tây Hồ phát hiện gần 1 tấn cánh gà không rõ nguồn gốc, xuất xứ)...

Kiến nghị sửa đổi quy định pháp lý phù hợp thực tế

Hiện nhiều quy định pháp lý còn chưa phù hợp, gây khó khăn cho các lực lượng trong quá trình thực thi. Để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhận định, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.

Ông Dũng kiến nghị: “Thời gian tới các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vân chuyển hàng lậu”.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công an và Cục hải quan TP Hà Nội cho rằng, để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng hoạt động nhập khẩu để vận chuyển hàng lậu, nhà nước nên xây dựng yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu ngoài việc có hóa đơn mua bán hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, phải có cả hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp nước ngoài và tờ khai xuất nhập khẩu.

Dưới góc độ của ngành Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Phan Quốc Đông cho biết, một số sản phẩm như điện thoại được các doanh nghiệp bưu chính vận chuyển rất khó phát hiện là sản phẩm giả hay thật, cơ quan chức năng phải tiến hành giám định với chi phí rất cao mới phát hiện được hàng giả. Nhưng khi tiến hành xử phạt, doanh nghiệp nại quyền bưu chính không chấp nhận vi phạm lại còn tổ chức khiếu kiện trở thành vướng mắc rất lớn. “Vì vậy cần có quy định, chế tài chặt hơn cho vấn đề này qua đó đối phó linh hoạt hơn với vấn nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại” - ông Đông kiến nghị.

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn nhiều thủ đoạn buôn lậu mới
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị

Trước những kiến nghị của lực lượng chức năng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, từ nay đến hết năm 2023 cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Trong đó chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa tại các quân Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì... và các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình... qua đó, lập kế hoạch, chuyên đề đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm.

Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại giữa các lực lượng chức năng. Đồng thời chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về những bất cập trong các văn bản pháp luật qua đó nâng cao hiệu quả việc đấu chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng nhấn mạnh, cần đặc biệt, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

https://congthuong.vn/

Tin khác

Tăng cường ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm qua biên giới (14/06/2023 08:00)

Cần làm gì để chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? (06/06/2023 08:26)

Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ (30/05/2023 07:10)

Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng quản lý thị trường 5 tỉnh (18/05/2023 08:00)

Hà Giang: Tăng cường giám sát kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại chợ phiên (17/05/2023 07:05)

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quý I/2023 (11/05/2023 07:00)

Tổng cục Quản lý thị trường: Hỗ trợ doanh nghiệp phân biệt hàng thật, hàng giả (09/05/2023 07:00)

Tiếp tục cảnh báo đối tượng giả danh công chức Quản lý thị trường (08/05/2023 07:10)

Chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: Không để doanh nghiệp "cô đơn" (04/05/2023 09:00)

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Khen thưởng 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích chống buôn lậu (26/04/2023 14:25)

xem tiếp