Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Quản lý thương mại

Gửi Email In trang Lưu
Hàng Việt ngày càng tự tin tiếp cận thị trường mới

22/07/2021 14:06

Dịch Covid-19 là thời điểm cho các doanh nghiệp Việt khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng tại thị trường trong nước và mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt tiếp cận thị trường mới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả việc xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị một số điều kiện cần thiết.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường. Thị trường trong nước thực sự là bệ đỡ quan trọng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước. Trong đó, hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp vốn trong nước mà của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện chiếm từ 60-80%. Cùng với đó, hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại mở rộng nhanh chóng. 67% người Việt Nam vẫn ưa chuộng, ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa.

Điều này đã cho thấy phát triển hàng hoá nói chung qua thương mại điện tử xuyên biên giới chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng đối với doanh nghiệp Việt Nam. 

Từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt chủ động phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới để xuất khẩu ra hàng hoá ra thị trường nước ngoài thực sự chưa nhiều. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam và ở các thị trường nhập khẩu còn diễn biến phức tạp có ảnh hưởng nhất định tới xuất khẩu của Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu quan tâm và có hướng tiếp cận mới. Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay đã có sự bổ trợ lẫn nhau giữa thương mại quốc tế và thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Thông qua thương mại điện tử một lượng lớn khách hàng ở các quốc gia có thể tiếp cận được sản phẩm của doanh nghiệp, chính những khách hàng trên thương mại điện tử ngoài vai trò tiêu dùng ra sẽ có thể trở thành những đối tác nhập khẩu lớn từ thị trường các nước nhập khẩu.

Tuy nhiên để tiếp cận, thực hiện và thực hiện có hiệu quả việc xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, theo Vụ Thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt cần phải chuẩn bị một số điều kiện cần thiết như: 

Hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu: Một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy sản phẩm xuất khẩu qua thương mại điện tử cần xác định được thị trường mục tiêu.

Hiểu biết về các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hoá đạt các tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, bao gồm cả các thủ tục liên quan tới phân phối qua thương mại điện tử tại nước nhập khẩu.

Đồng thời, các doanh nghiệp cần nắm rõ được quy trình logistics, bảo quản hàng hoá và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hoá có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường nước ngoài.

Vừa qua Bộ Công Thương đã phối hợp với TCT Bưu chính Viettel (Viettel Post), Sàn thương mại điện tử Voso để xây dựng nền tảng Voso Global, xuất khẩu thí điểm hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang thị trường Đức thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của Việt Nam, do người Việt phát triển và vận hành đã được cộng đồng người Việt bên Đức đón nhận hết sức tích cực. 

Trong thời gian  tới đây, Voso Global sẽ tiếp tục được hoàn thiện và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từng bước tiếp cận phương thức xuất khẩu mới, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quy trình thương mại điện tử xuyên biên giới là một quy trình khá phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp Việt năng lực từ khâu sản xuất tới khâu tiêu thụ trực tiếp tới người tiêu dùng. Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tới xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới còn nhiều hạn chế vì vậy không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ. Chính vì vậy để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp Bộ ngành khác như Bộ Nông nghiệp, Bộ Thông tin truyền thông để tổ chức các chương trình hỗ trợ đào tạo thương mại điện tử cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, tổ chức quảng bá sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, kết nối với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu… 

Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể kết nối doanh nghiệp phối hợp với Viettel Post để thúc đẩy việc tổ chức phân phối, thẩm định hàng hoá, thông quan hàng hoá, thanh toán đơn hàng cũng như vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia nhập khẩu. Đây cũng là bước tiền đề để các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của hàng Việt Nam không chỉ trong nước mà trên bản đồ thế giới.

 

Tin khác

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2021 – 2025 (22/07/2021 13:59)

Các sàn thương mại điện tử ghi nhận lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội (22/07/2021 13:48)

Tổ Công tác đặc biệt của hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp tiếp tục phối hợp tháo gỡ cho lưu thông hàng hóa (21/07/2021 13:53)

Hà Nội: Chủ động liên kết chuỗi, đa dạng vùng cung cấp, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu (21/07/2021 08:37)

Kết quả Phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Thương mại của Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) (21/07/2021 08:30)

Bộ Công Thương khuyến cáo tiêu dùng an toàn trong thời kỳ Covid-19 (21/07/2021 08:03)

Không thiếu nguồn cung cấp khí oxy cho cả nước (20/07/2021 09:53)

Ra mắt Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 (20/07/2021 08:29)

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (19/07/2021 08:48)

Thương mại điện tử tiếp tục hỗ trợ người dân an tâm mua sắm tại nhà (15/07/2021 08:29)

xem tiếp