Thứ bảy, Ngày 4 Tháng 5 Năm 2024

Thị trường trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng khả quan

30/05/2017 10:25

Chiều nay (29/5), Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 5. Theo báo cáo của tổ, sau 5 tháng, tình hình thị trường trong nước không có biến động lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng trưởng tương đối khả quan.

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng nhẹ 

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5, tình hình thị trường hàng hóa nhìn chung không có biến động lớn. Tuy vậy, một số sản phẩm chăn nuôi có hiện tượng dư cung nên giá giảm khá mạnh, ảnh hưởng đến lợi ích của người chăn nuôi cũng như tác động đến thị trường.

Trước tình trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp triển khai các giải pháp như chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) tăng thu mua, chế biến, phân phối; tăng lượng sử dụng, nhất là tại các bếp ăn tập thể; tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu (XK), hạn chế nhập khẩu… Nhờ đó, đến nay, thị trường thịt lợn đã ổn định hơn, lượng tiêu thụ tốt hơn, giá thịt lợn đã không còn giảm.

Việc tháo gỡ khó khăn cho ngành thịt lợn kịp thời đã góp phần giúp thị trường hàng hóa trong nước tháng 5 không có biến động. Theo đó, trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đã đạt 323.540 tỷ đồng, tăng 0,14% so với tháng trước đó. Tính chung 5 tháng đầu năm, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.600.810 tỷ đồng, tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - Tổ phó Tổ điều hành Thị trường trong nước - đánh giá, đây là mức tăng khả quan so với cùng kỳ.

Giá thịt lợn kéo CPI tháng 5 giảm nhẹ

Giá thịt lợn giảm sâu là một trong những yếu tố tác động đến thị trường những tháng đầu năm

Giá thịt lợn giảm mạnh cũng góp phần kéo giảm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5 đã giảm 0,53% so với tháng trước, tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,37% so với tháng 12/2016. Tính chung 5 tháng, CPI tăng 4,47% so với cùng kỳ năm 2016.

Phân tích về tình hình CPI những tháng đầu năm, theo bà Tạ Thị Việt - Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, có 7/11 nhóm hàng tăng giá; 4/11 nhóm giảm, gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông, giao thông, vật liệu xây dựng.

Đáng chú ý, trong tháng 5, giá thịt lợn trên thị trường giảm 9,94% so với tháng trước, nguyên nhân bởi nguồn cung tăng mạnh trong khi thương lái Trung Quốc hạn chế mua trong thời gian kéo dài. Điều này khiến chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 5/2017 giảm 2,27%, tác động giảm CPI chung khoảng 0,51% so với tháng trước. Hai đợt giảm giá xăng dầu vào ngày 5 và 25/5 cũng góp phần kéo chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm, góp phần vào mức giảm chung của chỉ số CPI.

Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa, dịch vụ có CPI tăng nhẹ bao gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.

Tính chung, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,37 % so với tháng 12/2016.

Dự báo CPI những tháng tới, bà Tạ Thị Việt cho hay, trong tháng 6, do bước vào mùa hè nên nhu cầu du lịch, sử dụng điện, nước tăng. Nhu cầu xây dựng tăng cao cũng sẽ khiến giá nhiều mặt hàng phục vụ xây dựng tăng cao. Tuy vậy, do giá thực phẩm tiếp tục ở mức thấp; giá xăng dầu, gas đang có xu hướng giảm nên CPI tháng 6 dự báo sẽ không tăng so với tháng 5. Tính chung 6 tháng, mức CPI dự kiến sẽ tăng khoảng 4,16 - 4,18% so với cùng kỳ năm 2016.

Mức tăng CPI tháng 6 có thể không gây “sốc”, nhưng tính chung 6 tháng, mức tăng này đã cao hơn con số Quốc hội giao (tăng không quá 4%). Cho nên, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị các địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, điều hành giá các loại hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa để CPI đạt mục tiêu đã được cho phép.

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

Tháng 9/2017, toàn bộ thịt heo tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được truy xuất nguồn gốc (29/05/2017 08:06)

Xây dựng thương hiệu nông sản: Cần chương trình tổng thể (22/05/2017 14:38)

Big C giảm giá đến 50% cho hàng trăm sản phẩm phục vụ Quốc tế thiếu nhi (22/05/2017 14:25)

Đã 'giải cứu' được hơn một nửa số lợn cần bán (18/05/2017 10:04)

Trứng gia cầm giảm giá mạnh (27/04/2017 15:51)

PVOIL sẽ đồng loạt giảm giá xăng dầu trong dịp lễ 30/4 (26/04/2017 15:20)

Dưa hấu Việt khó xuất sang Trung Quốc vì không cạnh tranh nổi với dưa Lào, Myanmar (25/04/2017 10:05)

Mặt trái của dư địa sản phẩm tiêu dùng (18/04/2017 08:14)

Doanh nghiệp phải kê khai khi tăng, giảm 5% giá sữa (13/04/2017 08:38)

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Sức hút lớn (13/04/2017 08:33)

xem tiếp