Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý Xuất nhập khẩu

Gửi Email In trang Lưu
Xuất khẩu viên nén nhiên liệu trên đà tăng trưởng

21/10/2021 15:00

Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên dưới 3 triệu tấn viên nén nhiên liệu với kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD. Trong 8 tháng đầu năm 2021, lượng xuất khẩu đạt 2,4 triệu tấn, tương đương với 273 triệu USD về kim ngạch.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu viên nén nhiên liệu lớn nhất của Việt Nam

Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm trên 90% lượng nhập khẩu

Báo cáo “Sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam: Thực trạng và một số khía cạnh cần quan tâm” do Tổ chức Forest Trends phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vừa công bố cho hay, trong những năm gần đây, lượng viên nén xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 3 triệu tấn, tương đương 350 triệu USD về kim ngạch.

Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường nhập khẩu viên nén nhiên liệu lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu sang 2 thị trường này mỗi năm chiếm trên 90% trong tổng lượng xuất khẩu. Thị trường Hàn Quốc có quy mô lớn hơn so với thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, mức độ ổn định tại thị trường Nhật Bản lại cao hơn.

Mức giá xuất khẩu bình quân sang thị trường Nhật Bản hiện cao hơn giá xuất sang Hàn Quốc, bình quân khoảng 20-30 USD/tấn. Thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, hiện giá xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc thấp là bởi thị trường này áp dụng cơ chế đấu giá khi mua sản phẩm, với các doanh nghiệp chào mức giá thấp nhận được các hợp đồng cung sản phẩm. Sau khi nhận được các hợp đồng này, các doanh nghiệp này quay trở lại các nhà sản xuất tại Việt Nam và đẩy mức giá sản phẩm xuống thấp, nhằm đáp ứng các hợp đồng mà họ đã ký kết với người mua.

Cơ chế thu mua tại thị trường Nhật Bản không tuân theo hình thức đấu giá như tại thị trường Hàn Quốc mà phụ thuộc trực tiếp vào thỏa thuận giữa người mua và người bán. Cơ chế này không làm đẩy giá xuất khẩu xuống thấp như tại thị trường Hàn Quốc.

Tiếp đà tăng trưởng

Giống như các ngành khác, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam cũng bị tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Kim ngạch và lượng xuất khẩu giảm mạnh trong những tháng gần đây. Cụ thể, tháng 6/2021, xuất khẩu viên nén đạt 367,2 nghìn tấn với giá trị 41,1 triệu USD, tuy nhiên, bước sang tháng 7/2021, con số này tụt xuống còn 315,5 nghìn tấn và trị giá 36,7 triệu USD, tháng 8/2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 265,2 nghìn tấn với giá trị 31,3 triệu USD.

Dữ liệu thống kê về viên nén xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, bình quân mỗi năm có trên 70 doanh nghiệp tham gia vào khâu xuất khẩu. Lượng doanh nghiệp tham gia vào khâu này không có nhiều biến động, ít nhất trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp tham gia khâu xuất khẩu trong 8 tháng đầu 2021 chỉ là 59, nhỏ hơn nhiều so với số doanh nghiệp tham gia khâu xuất khẩu trong năm 2020. Sự suy giảm các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong 8 tháng đầu 2021 có thể là do một số doanh nghiệp sẽ tham gia khâu này vào những tháng cuối năm, cũng có thể là do tác động của sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Ông Tô Xuân Phúc- Chuyên gia Tổ chức Forest Trends- đánh giá, một trong những điểm mạnh trực tiếp góp phần vào sự hình thành và phát triển của ngành viên nén nhiên liệu là bởi nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, được tạo ra từ gỗ phụ phẩm của ngành chế biến. Nguồn gỗ đầu vào để làm mặt hàng này bao gồm mùn cưa, dăm bào, cành đầu mẩu, cành ngọn gỗ rừng trồng có đường kính từ khoảng 2cm trở xuống. Mặt khác, cơ sở chế biến viên nén không đòi hỏi đầu tư về công nghệ quản lý lớn và phức tạp và điều này tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào khâu sản xuất. Việt Nam có lợi thế về địa lý với các nguồn nguyên liệu cho sản xuất viên nén nằm gần các cảng biển xuất khẩu, thuận tiện cho việc vận chuyển.

Tuy nhiên, ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén hiện đang tồn tại một số mặt hạn chế. Thứ nhất, đầu vào nguyên liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ về khía cạnh chất lượng và pháp lý. Một số cơ sở chế biến sử dụng nguyên liệu hỗn tạp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Nguồn cung gỗ nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hạn chế, trong khi đòi hỏi của thị trường xuất khẩu về mặt hàng có chứng chỉ ngày càng tăng. Có một số tín hiệu cho thấy tình trạng gian lận trong khai báo sản phẩm có chứng chỉ FSC với lượng khai báo lớn hơn khả năng cung thực tế. Những thông tin này đang tác động xấu tới ngành.

Thứ hai, hiện ngành đang tồn tại tình trạng cung lớn hơn cầu, với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp tham gia khâu chế biến. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả việc cạnh tranh không lành mạnh như chèn ép giá. Nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến trong khi khâu xuất khẩu lại tập trung chủ yếu bởi một số doanh nghiệp có quy mô lớn.

Theo thông tin từ đại diện một số doanh nghiệp, mức giá tại thị trường Hàn Quốc cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia khâu đấu thầu tại đây bỏ mức giá thấp, sau đó quay lại đẩy giá sản phẩm của các cơ sở sản xuất xuống. Với tình trạng cung lớn hơn cầu như hiện nay, ngành tiềm ẩn yếu tố không bền vững.

Ngành viên nén nhiên liệu được dự báo còn dư địa để phát triển bền vững. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ viên nén tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, lượng viên nén tại thị trường Nhật Bản sẽ có thể mở rộng gấp 3 lần cho tới năm 2024 - 2025 so với hiện nay. Nếu năng lực sản xuất của Việt Nam được giữ nguyên ở mức hiện tại, cung - cầu mặt hàng này sẽ cân bằng trong 2-3 năm tới. Mặt khác, ngành hàng này có tiềm năng trong việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm có chứng chỉ FSC, điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ.

Giá xuất khẩu bình quân trên 1 đơn vị sản phẩm vào Nhật Bản luôn cao hơn giá xuất khẩu vào Hàn Quốc. Điều này có thể làm các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dịch chuyển từ thị trường Hàn Quốc sang thị trường Nhật, hoặc ít nhất cũng cố gắng để tham gia cả 2 thị trường.

Để nắm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, việc hình thành một tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp ngành như chi hội viên nén là điều cần thiết bởi điều này sẽ trực tiếp góp phần vào việc điều tiết các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành trong tương lai.

Theo đó, tổ chức đại diện có vai trò kết nối các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, tạo tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp, điều tiết thị trường đầu ra sản phẩm. Đồng thời, đóng vai trò đầu mối thông tin, cung cấp cho các doanh nghiệp thành viên thông tin về thị trường đầu ra sản phẩm, bao gồm thông tin về nhu cầu và các yêu cầu pháp lý và bền vững về sản phẩm. Chuyển tải thông tin và kiến nghị từ doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhằm hình thành các cơ chế chính sách sát thực tế, góp phần thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

Nguyễn Hạnh

https://congthuong.vn/

Tin khác

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 20-21 tháng 10 năm 2021) (20/10/2021 17:00)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Ngày 12 tháng 10 năm 2021) (12/10/2021 17:15)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 10 năm 2021) (11/10/2021 17:00)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Ngày 08 tháng 10 năm 2021) (08/10/2021 17:10)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Ngày 07 tháng 10 năm 2021) (07/10/2021 17:00)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 05 tới ngày 06 tháng 10 năm 2021) (06/10/2021 17:00)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 04 tháng 10 năm 2021) (04/10/2021 17:00)

Lạng Sơn thí điểm sử dụng nền tảng cửa khẩu số trong hoạt động xuất nhập khẩu (04/10/2021 08:21)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 01 tháng 10 năm 2021) (01/10/2021 17:10)

Tình hình hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua của khẩu quốc tế Thanh Thủy – tỉnh Hà Giang (Từ ngày 30 tháng 9 năm 2021) (30/09/2021 17:00)

xem tiếp