Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Tin trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Cần thiết triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng

21/10/2021 09:44

Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý 3 giảm mạnh. Vì vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Chiều 20/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 và kế hoạch tài chính 3 năm 2022-2024.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2021 nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19. Đảng, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết thể hiện quyết tâm tập trung nguồn lực NSNN cho phòng chống dịch; nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chi hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đời sống nhân dân.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, tình hình thực hiện dự toán NSNN 2021 nổi lên một số vấn đề cần lưu ý. Trong đó, về thu NSNN năm 2021, tổng số thu cân đối NSNN ước vượt dự toán. Tuy nhiên, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc.

Thu NSTW hụt khá lớn, khoảng 28-29 nghìn tỷ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của NSTW. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục trong các năm tiếp theo.

Về chi NSNN năm 2021, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã kịp thời ban hành các Nghị quyết nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí cho phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.

Đối với việc mua, tiếp nhận và nhu cầu vắc-xin, cần báo cáo cụ thể về: Số vắc-xin được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; công khai việc sử dụng quỹ vắc-xin; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng Covid mới xuất hiện.

Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, đề nghị làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng NSNN trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc thực hiện rà soát các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách vẫn còn chậm, chưa mang tính tổng thể, số lượng quỹ còn khá lớn; một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động... Việc duy trì nhiều quỹ trùng lặp về nguồn thu, nhiệm vụ chi với NSNN là chưa bảo đảm quy định của Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, đề nghị tăng cường quản lý, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch. Đồng thời, đề nghị rà soát các quỹ có số dư lớn nhưng nhiệm vụ chi chưa cần thiết, cấp bách, đã hết nhiệm vụ chi để điều chuyển về NSNN nhằm tăng cường nguồn lực cho kích thích, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Về chi thường xuyên, ước cả năm vượt dự toán 2,2%, chủ yếu phát sinh các khoản chi cho phòng, chống dịch. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, song đề nghị rút kinh nghiệm do vẫn còn tình trạng phân bổ chậm, phân bổ không đúng đối tượng ở một số bộ, ngành trung ương, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến phải điều chỉnh, cắt, giảm dự toán như thời gian vừa qua.

Cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế

Về dự toán NSNN năm 2022, để bảo đảm cân đối ngân sách vững chắc, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, dự toán thu ngân sách nhà nước xây dựng theo dự kiến mức tăng trưởng kinh tế 6-6,5%, lạm phát khoảng 4% song dự kiến tốc độ tăng thu chỉ tăng 3,4% là chưa thực sự phù hợp. Ngoài ra, việc dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1%GDP thấp hơn so với mức bình quân theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội (không thấp hơn 16%GDP).

Dự toán thu nội địa tăng 3,8%, nhưng để phấn đấu đưa số thu nội địa bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 85-86% tổng thu NSNN theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 thì còn khoảng cách khá lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: Thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước.

Việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp. Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý.

Trong điều kiện giá dầu thế giới tăng cao thì việc dự kiến sản lượng khai thác giảm so với ước thực hiện năm 2021 là chưa phù hợp. Ngoài ra, trong dự toán thu NSNN năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh.

Về dự toán chi NSNN, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với phương án Chính phủ trình, đồng thời lưu ý, cần ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch; bố trí hợp lý, hiệu quả dự phòng ngân sách, dự trữ quốc gia; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí.

Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh GDP quý 3 giảm mạnh. “Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc quyết tâm, chủ động, khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi nền kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng là rất cần thiết” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu.

Do đó, cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội. Đồng thời, nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; nghiên cứu, lựa chọn đối tượng phù hợp, cần thiết để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo và đào tạo lại lao động…

Quỳnh Nga - Lan Anh

Tin khác

Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương năm 2021 (19/10/2021 09:00)

Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương năm 2021 (16/10/2021 18:03)

Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 (13/10/2021 07:53)

Khôi phục vận tải khách liên tỉnh từ 13/10 (11/10/2021 13:30)

Bí quyết bán 2 tấn nhãn sau một buổi bán livestream của lão nông 70 tuổi (11/10/2021 08:26)

Khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất và thương mại (11/10/2021 07:58)

Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (05/10/2021 07:59)

Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế rác thải nhựa (05/10/2021 07:02)

Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo (04/10/2021 10:02)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sát cánh, đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc (30/09/2021 16:14)

xem tiếp