Thứ ba, Ngày 23 Tháng 4 Năm 2024

Tin trong nước

Gửi Email In trang Lưu
Sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế

28/09/2021 07:55

Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong những tháng đầu năm dù có những nét tích cực song vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Các chuyên gia cho rằng, cần sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Kinh tế thế giới đảo chiều, trong khi Việt Nam dự báo không đạt kế hoạch

Ngày 27/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam với diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam và nhiều địa phương trong cả nước. Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế dịch bệnh, phần nào kiểm soát được sự lây lan, số ca nhiễm theo ngày có dấu hiệu giảm.

Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các các tỉnh, thành phố trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều lao động và có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu… đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế thế giới và nhiều nước đảo chiều từ tăng trưởng âm của 2020 sang tăng trưởng dương 2021 thì Việt Nam tăng trưởng 2021 dự báo không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với 2020. “Đây là vấn đề cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Nhận diện các thách thức là rất quan trọng để triển khai thực hiện kế hoạch các tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch 2022” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tập trung khống chế dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân và để tạo cơ sở cho việc khôi phục, phát triển kinh tế. Đồng thời duy trì, khôi phục hoạt động kinh tế để có năng lực, nguồn lực, điều kiện cho phòng, chống dịch. Mục tiêu kép đó rất cần ý kiến của các vị đại biểu để định hướng, đặt ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, có rất nhiều nội dung phải tập trung tháo gỡ cần được hiến kế như: Kinh nghiệm phản ứng với dịch của các nước châu Âu, các quốc gia trên thế giới, các chính sách, các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của các quốc gia trong đại dịch Covid-19 và bài học cho Việt Nam; giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thu, chi ngân sách nhà nước; giải pháp để kiểm soát lạm phát, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán; giải pháp để khôi phục thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, các hoạt động bán lẻ, sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, các giải pháp khắc phục việc đứt gãy chuỗi cung ứng, bình ổn giá nguyên vật liệu thiết yếu, chi phí logistics và không để dứt gãy thị trường trong nước cũng như thế giới; các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, ODA, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; các giải pháp để kiểm soát nợ xấu của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, nợ xấu tín dụng tiêu dụng và giải pháp khơi thông vốn tín dụng cho các doanh nghiệp; giải pháp để tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA, thu hút đầu tư nước ngoài; xây dựng các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt…

Nhấn mạnh kinh tế - xã hội là vấn đề rất rộng, rất quan trọng Quốc hội phải quyết định, trong bối cảnh tình hình hiện nay có nhiều thách thức cần những giải pháp đột phá, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn nhận được những ý kiến tâm huyết, sát thực cho Quốc hội và những thông tin này cũng là đề xuất gợi mở cho Chính phủ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi hơn cho thời gian tiếp theo.

Hiến kế chính sách phát triển kinh tế trong và sau đại dịch

TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay để phục hồi kinh tế chính là chuyển đổi mô hình chống dịch như thế nào. Mô hình chống dịch đúng trong năm 2020 nhưng đã kéo quá dài và gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc chuyển đổi mô hình chống dịch từ “Zero Covid” sang “sống chung với dịch”.

“Chúng ta không thể phong tỏa “cứng” nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong thời gian dài như vừa qua được nữa. Nhưng quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau do người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch, hệ quả tất yếu là chỉ cần có vài ca nhiễm họ sẽ “khóa cứng” địa phương mình lại, từ đây gây đứt gãy các hoạt động kinh tế, xã hội” - TS. Nguyễn Sỹ Dũng cho hay.

Khi chuyển đổi mô hình chống dịch, điều quan trọng nhất theo ông Nguyễn Sỹ Dũng là phải mạch lạc trong chính sách và thực thi chính sách. Phân cấp, phân quyền là quan trọng nhưng ở thời điểm này mệnh lệnh phải từ Trung ương mới bảo đảm tính hệ thống được. “Nếu vẫn mỗi tỉnh một kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được? Chúng ta phải rất nghiêm túc xem lại với cách thức như hiện nay thì các nhà đầu tư đang muốn chuyển đổi các chuỗi cung ứng có muốn tìm đến chúng ta hay không?” - TS. Nguyễn Sỹ Dũng nêu.

Báo cáo tổng quan kinh tế Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, diễn biến dịch Covid-19 kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân.

"Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong những tháng đầu năm còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, song cũng có những nét tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì" - TS. Trần Thị Hồng Minh nói, đồng thời dẫn chứng, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng tới 21,8% so với cùng kỳ 2020. Không ít doanh nghiệp nhận thấy cơ hội kinh doanh mới và gia nhập thị trường, với 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Đưa ra khuyến nghị chính sách trong thời gian tới, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh nêu, trước hết, ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine. Đặc biệt, sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Trong đó, cần lưu ý 3 giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.

Cụ thể, giai đoạn 1 (đến quý I/2022): ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Giai đoạn 2 (đến hết 2023), sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp; giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA).

Ngoài ra, nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn...) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành; thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện các gói hỗ trợ và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Quỳnh Nga

Tin khác

Đồng chí Triệu Tài Vinh giữ chức Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương (28/09/2021 00:21)

Thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư (17/09/2021 11:13)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Không ban hành thêm quy trình, thủ tục, giấy phép gây cản trở lưu thông hàng hóa (15/09/2021 09:17)

Trao Quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương cho đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân (14/09/2021 11:16)

Xử lý nghiêm đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch (08/09/2021 07:35)

Nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới (07/09/2021 09:36)

Kiện toàn nhân sự một số Ban Chỉ đạo quan trọng của ngành Công Thương (07/09/2021 09:11)

Phát động Phong trào thi đua ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, giai đoạn 2021- 2026 (06/09/2021 09:32)

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ 2/9 (01/09/2021 08:29)

Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả nhất định (01/09/2021 08:17)

xem tiếp