Thứ ba, Ngày 23 Tháng 4 Năm 2024

Danh mục thông tin được công khai

Gửi Email In trang Lưu
Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong đầu tư công

25/05/2021 09:32

Đó là nội dung được đưa ra tại Chỉ thị số 13/CT-TTg của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa được ban hành.

Khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư công

 Tập trung vào các dự án then chốt

Chỉ thị 13/CT-TTg của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công (ĐTC) có vai trò, ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, bên cạnh các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhiều cố gắng, tích cực đóng góp xây dựng kế hoạch ĐTC trung hạn theo yêu cầu đề ra, thì vẫn có một số bộ, cơ quan trung ương chậm gửi báo cáo, chất lượng thực hiện chưa cao. Phương án phân bổ nguồn vốn còn dàn trải, chưa tập trung vào những công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, nên số dự án khởi công mới nhiều, trong đó có những dự án dự kiến bố trí chưa đúng quy định.

Theo đó, ĐTC giai đoạn 2021-2025 phải thực hiện theo phương châm kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 -2020; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu chung và quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo nâng cao hiệu quả vốn ĐTC.

Để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nội dung. Trong đó, điển hình là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân.

Xóa bỏ cơ chế “xin - cho”

Để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong ĐTC, Chính phủ yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đối với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.

Chính phủ yêu cầu, vốn ĐTC phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “ĐTC dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công - tư.

Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Để nâng cao chất lượng dự án ĐTC, Chính phủ cho biết nhiệm vụ cần triển khai ngay đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là, tổ chức rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, nhất là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang có nhiều dự án dự kiến khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật. Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, dự án thực hiện 2 kỳ kế hoạch ĐTC trung hạn phải bảo đảm đúng quy định, không vượt quá 20% tổng số vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật ĐTC. Mục tiêu tổng số dự án ĐTC từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 là khoảng 5.000 dự án.

Nguyễn Hòa

Tin khác

Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin (18/05/2018 07:32)

xem tiếp