Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Tin trong tỉnh

Gửi Email In trang Lưu
Quản Bạ chú trọng phát triển cây dược liệu

03/06/2020 08:23

Năm qua, tổng doanh thu từ dược liệu trên địa bàn huyện Quản Bạ đạt trên 100 tỷ đồng; trong đó, nguồn thu chủ yếu từ Thảo quả khoảng 48 tỷ đồng; 50 tỷ đồng từ các loại cây Giảo cổ lam, Ấu tẩu, Hương thảo, Hà thủ ô và các thảo dược khác... Với giá trị kinh tế cao và năng suất, sản lượng ổn định; năm nay, ngành Nông nghiệp huyện Quản Bạ tiếp tục triển khai kế hoạch trồng mới 500 ha cây dược liệu, gồm: Atiso, Đương quy, Mã đề, Ấu tẩu, Thiên môn đông, Bồ công anh... Đồng thời, chú trọng chăm sóc tốt 2.400 ha cây dược liệu hiện có, gồm: Thảo quả, Hương thảo, Actiso và các cây dược liệu khác.

Người dân thôn Nà Chang, thị trấn Tam Sơn thu hoạch cây Actiso.

Để đảm bảo kế hoạch trồng mới dược liệu đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao; cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp huyện Quản Bạ đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân thực hiện đúng theo các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về phát triển dược liệu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX) và người dân; củng cố và phát triển các mô hình liên kết phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị hiện có. Bên cạnh đó, UBND huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có giá trị. Trong năm 2019, huyện đã hỗ trợ HTX Y học bản địa Quyết Tiến dây chuyền chế biến Đương quy với kinh phí hơn 600 triệu đồng... Nhờ vậy, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị tương đối đồng bộ với đầu ra 30 sản phẩm dược liệu; trong đó, 9 sản phẩm được công bố hợp quy chuẩn, gồm: Trà gừng Cao nguyên đá, Nước tắm thảo dược, Thảo dược ngâm chân, Cao Atiso và 5 sản phẩm tinh dầu của HTX Cộng đồng Nặm Đăm...

Cùng với việc hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, dây chuyền chế biến, huyện còn quan tâm hỗ trợ việc quảng bá hình ảnh, đưa sản phẩm của các doanh nghiệp (DN), HTX giới thiệu tại các hội chợ thương mại; kết nối với các trung tâm giới thiệu nông sản, các điểm dừng chân, du lịch trong và ngoài tỉnh… Xây dựng điểm giới thiệu, quảng bá, bán hàng tại Cổng trời Quản Bạ; thành lập Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện… Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đều vào cuộc quyết liệt, thống nhất các giải pháp lãnh, chỉ đạo cũng như hỗ trợ, hướng dẫn các DN, HTX, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển dược liệu trên địa bàn. Thường xuyên nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn,  vướng mắc cho cơ sở kịp thời, đúng lúc; đặc biệt luôn quan tâm đến việc hình thành và phát huy giá trị mối liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Với những điều kiện thuận lợi đó, các công ty, HTX dược liệu trên địa bàn cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị quỹ đất sản xuất ngay từ đầu năm; thực hiện liên kết chặt chẽ với người dân trong sản xuất. Nhân dân chủ động sản xuất, phát triển các loài dược liệu bản địa về giống, mùa vụ, chăm sóc, thu hoạch… Việc phát triển dược liệu cũng được ký kết hợp đồng với DN, HTX, các hộ dân chủ động về đất, công lao động thực hiện theo đúng tiến độ. Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đã mang lại những hiệu quả kinh tế thiết thực; cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 2.000 hộ với trên 5.000 lao động. Thu nhập của các HTX và người dân từ cây dược liệu ngày càng tăng, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, niềm tin của người nông dân vào phát triển cây dược liệu để xóa đói, giảm nghèo từng bước được củng cố. Người dân các xã, thị trấn trồng và chăm sóc các loại cây: Thảo quả, Ấu tẩu, Gừng, Nghệ,... cho thu nhập mỗi hộ trung bình từ 20 - 50 triệu đồng/năm; có hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Trong thời gian tới, huyện Quản Bạ tiếp tục tăng cường thu hút, khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển dược liệu; liên kết với các HTX, tổ hợp tác và nhân dân trồng, chế biến các sản phẩm dược liệu, hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đồng thời có chính sách hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác và các hộ dân trồng dược liệu, hỗ trợ trồng dược liệu bị thất thu; hỗ trợ phát triển và hoàn thiện các sản phẩm theo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), công bố tiêu chuẩn hợp quy, xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm dược liệu.

Theo Baó Hà Giang điện tử

Tin khác

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XVII (03/06/2020 08:22)

Các doanh nghiệp, doanh nhân hãy tiếp tục đồng hành cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn sau dịch Covid-19 (02/06/2020 08:00)

Hội thảo phát triển nông sản hàng hóa gắn với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (02/06/2020 07:59)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dự Lễ chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (02/06/2020 07:56)

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chung vui với thiếu nhi nhân ngày 1.6 (02/06/2020 07:53)

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Điểm cao 468 (29/05/2020 08:05)

UBND tỉnh họp phiên tháng 5 (27/05/2020 08:01)

Kiểm tra công tác xây dựng nông thôn mới xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (26/05/2020 15:33)

Ký kết khung hợp tác chiến lược giữa tỉnh Hà Giang với Ngân hàng thế giới (26/05/2020 08:26)

Họp bàn đề xuất đầu tư tại tỉnh của Công ty TNHH 1 thành viên Năng lượng An Việt Phát (26/05/2020 08:24)

xem tiếp