Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý Xuất nhập khẩu

Gửi Email In trang Lưu
Nỗ lực biến nguy thành cơ, xuất nhập khẩu khả quan hơn dự báo

01/04/2020 08:36

Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội nhằm biến “nguy thành cơ” đã phát huy tác dụng khi hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2020 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan.

 Xuất khẩu tăng nhẹ, xuất siêu cao hơn cùng kỳ

Khó khăn của tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong ngắn hạn đã được dự báo ngay khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại các nước châu Âu và Hoa Kỳ - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Song ngay tại thời điểm đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm thị trường mới, tháo gỡ khó khăn tại cửa khẩu… Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, thị trường mới…

no luc bien nguy thanh co xuat nhap khau kha quan hon du bao
Trong khó khăn, xuất siêu quý I/2020 cao hơn cùng kỳ

Nhờ đó, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khả quan. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 3 ước tính đạt 39 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%; nhập khẩu đạt 56,26 tỷ USD, giảm 1,9%.

Mức tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, song đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực bởi trong 2 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Kông giảm 12%; Đài Loan giảm 6,3%...

Trong kết quả này, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Dưới tác động của dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm nông sản đều có kim ngạch sụt giảm. Vào thời điểm đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, giao dịch thương mại với Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ đất liền gần như đình trệ. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và xử lý sát sao của Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương, hoạt động giao dịch qua các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ.

Hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu biên giới Việt Trung đã trở lại bình thường, tiến độ thông quan tích cực hơn thời điểm đầu tháng 2. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn do lực lượng bốc xếp của phía Trung Quốc còn mỏng. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này.

Trong khó khăn do dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,05 tỷ USD trong quý I, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,6%). Sau giai đoạn 1, đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc. Đến nay, khi việc đứt gãy nguồn cung cơ bản được giải quyết, thì xuất khẩu Việt Nam hiện đang phải đối mặt với việc đứt gãy cầu khi dịch bệnh Covid -19 đã lan rộng sang các nước châu Âu và Hoa Kỳ. 3 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, túi xách, máy ảnh, máy quay phim… đều có kim ngạch giảm.

Nhóm hàng còn lại là nhiên liệu khoáng sản có kim ngạch giảm 15,9%, trong đó dầu thô giảm 8% so với cùng kỳ; xăng dầu các loại giảm 30,1%.

Đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD sau quý I, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tác dụng.

Về thị trường xuất khẩu, cả xuất khẩu và nhập khẩu ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dần phục hồi trong tháng 3 do bối cảnh tình hình dịch bệnh tại các nước này đang dần được kiểm soát. Tính chung 3 tháng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 11,5% (cùng kỳ giảm 9,1%); Hàn Quốc giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 6,9%); Nhật Bản tăng 3,5% (cùng kỳ tăng 7,6%)…

Kỳ vọng gì cho những tháng tới?

Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Với việc từ tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm. Hiện nay, do dịch bệnh, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng hóa dệt may và giày dép tại nhiều thị trường giảm. Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên ngồi đàm phán cho các đơn hàng cuối năm). Chính lý do này, đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

Ngoài ra, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh. Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Đây là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ liên bang Nga đã về đến Việt Nam (27/03/2020 08:16)

An ninh lương thực đặt lên hàng đầu (26/03/2020 08:28)

Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới (26/03/2020 08:20)

Tiếp tục đẩy mạnh thông quan tại các cửa khẩu (25/03/2020 08:32)

Tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3 (25/03/2020 07:40)

Bộ Công Thương đề xuất cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ (24/03/2020 07:48)

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới: Vẫn đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh (23/03/2020 08:34)

Xuất nhập khẩu khả quan, 2.084 xe hàng hóa nông sản được thông quan (20/03/2020 15:21)

Nhập khẩu thịt lợn tăng 205% (17/03/2020 08:23)

Xuất khẩu khả quan, 872 xe nông sản được thông quan (16/03/2020 10:06)

xem tiếp