Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý thương mại

Gửi Email In trang Lưu
Bộ Công Thương: Nhanh chóng vào cuộc đảm bảo cung cầu hàng hóa Tết

31/12/2019 08:48

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành, Bộ Công Thương đã nhanh chóng có báo cáo sơ bộ về công tác chuẩn bị Tết của ngành.

 Trước đó, ngay từ tháng 10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời làm việc với các Bộ ngành, địa phương về chuẩn bị nguồn cung hàng Tết, triển khai các chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo không có tình trạng thiếu hàng sốt giá, giúp người dân đón Tết vui tươi, an toàn.

Không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2019, thị trường hàng hóa mặc dù có nhiều biến động, nhất là những bất ổn từ thị trường mặt hàng thực phẩm thiết yếu, tuy nhiên, cùng với tăng trưởng chung của kinh tế cả nước (tăng trưởng GDP năm 2019 ước đạt 7,02%), sức mua của thị trường trong nước đã đạt được mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2019 đạt khoảng 4.940.403 tỷ đồng, tăng 11,86% so với năm 2018.

bo cong thuong nhanh chong vao cuoc dam bao cung cau hang hoa tet
Hàng hóa Tết Nguyên đán Canh Tý được dự báo đầy đủ, giá cả phải chăng, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá...

Về thị trường hàng hóa Tết, nhờ tình hình thời tiết các tháng cuối năm ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Riêng mặt hàng thịt lợn, mặt bằng giá tăng trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp và một số trang trại nhỏ tăng lượng chăn nuôi và có kế hoạch cung ứng vào dịp Tết nên khả năng nguồn cung sẽ tăng vào dịp Tết Nguyên đán để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng.

Dự kiến, sức mua hàng hóa vào dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường. Sản phẩm được ưa chuộng là các loại thực phẩm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn. Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tập trung cao điểm vào tuần từ 16-23 tháng 1 (tức ngày 22 đến 29 tháng Chạp) để phục vụ các đợt lễ, từ ngày ông Công ông Táo đến cận Tết.

Xu hướng giá cả, nhờ nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành, Chương trình bình ổn thị trường năm nay của các địa phương đã chú trọng đến mặt hàng thịt lợn nên nguồn cung mặt hàng này sẽ được tăng cường trong dịp Tết để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và đẩy mạnh tiêu thụ hàng dịp cuối năm, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ dự kiến triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, góp phần giữ giá hàng hóa không có biến động lớn.

Tại các chợ dân sinh, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn sẽ có biến động tăng trong những ngày cận Tết do nhu cầu tăng mạnh, mặt hàng cao cấp hơn ngày thường, chi phí lưu thông tăng... Tuy nhiên, do có đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, các siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định sẽ góp phần kìm chế mức tăng giá chung.

Dự báo giá các mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 7-10%, riêng mặt hàng thịt lợn có thể tăng 10-15% so với ngày thường, một số mặt hàng bánh kẹo, rượu bia tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tại các điểm bán hàng bình ổn, giá cả được niêm yết rõ ràng và doanh nghiệp đã cam kết bán theo đúng giá niêm yết, giữ ổn định trong dịp Tết. Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường.

Hiện cả nước có 37/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, trong đó có 13 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Chương trình bình ổn thị trường năm nay tiếp tục được thực hiện tại một số địa phương với nhiều điểm mới như: Nguồn vốn dùng để mua dự trữ hàng hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa; UBND các tỉnh/thành phố chủ trương vận động một số doanh nghiệp phân phối tại địa phương đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống (trong đó có mặt hàng thịt lợn) vào diện bình ổn thị trường; tích cực xây dựng hệ thống phân phối và triển khai các biện pháp đưa hàng hóa về khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo... Hầu hết các hệ thống phân phối tại địa phương tiếp tục cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ là hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn.

Đảm bảo bình ổn giá thịt lợn

Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn trước tình hình giá thịt lợn liên tục tăng cao và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn làm việc về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông sản dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, trong đó chú trọng đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương có nguồn cung thịt lợn lớn hoặc hệ thống phân phối, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn nhiều.

Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch, kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm...

Bộ cũng có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công Thương về có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng; chỉ đạo Sở Công Thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước trong và sau Tết.

Đặc biệt, ngày 26/12/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối quy mô lớn kết nối và đưa ra các giải pháp cần thực hiện nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối như Big C, Saigon Coop... đã cam kết sẽ giảm giá bán lợn thịt ra thị trường. Bộ cũng đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào xử lý tình trạng găm giữ hàng, vi phạm quy định về giá gây bất ổn thị trường của một số doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi lớn.

Với sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực và thường xuyên của ngành Công Thương, dự báo, nguồn cung hàng hóa Tết sắp tới sẽ được đảm bảo, giá cả phải chăng, đảm bảo phục vụ người dân đón Tết Canh Tý vui tươi, an toàn.

 

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

Mở rộng thị trường kết nối các sản phẩm OCOP (17/12/2019 22:00)

Ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa: Bộ Công Thương hành động kịp thời (10/12/2019 10:01)

Tăng cao nhất trong 6 năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao (04/12/2019 23:59)

Hà Giang đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại - Chợ nông thôn (12/11/2019 09:06)

Bộ Công Thương: Chuẩn bị đầy đủ hàng hóa cho dịp cuối năm (07/11/2019 09:07)

Định vị thương hiệu cho nông sản Việt (06/11/2019 08:39)

Tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động thương mại (05/11/2019 08:27)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 tăng 14% so với tháng trước (15/10/2019 08:59)

Bộ Công Thương: Thông tin về kết quả phiên họp lần 2 của Hội đồng Hiệp định CPTPP (14/10/2019 09:52)

CPI cả năm được dự báo chỉ khoảng 3% (02/10/2019 14:38)

xem tiếp