Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Quản lý công nghiệp

Gửi Email In trang Lưu
12 dự án ngành Công Thương: Giải quyết dứt điểm các tồn đọng

22/10/2019 09:15

Đó là nhận định tại báo cáo của Bộ Công Thương gửi các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về kết quả xử lý các tồn tại yếu kém của 12 dự án ngành Công Thương.

 Giảm lỗ, có lãi

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho thấy, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội và hơn 1 năm thực hiện Đề án xử lý các dự án, doanh nghiệp (DN) theo Quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng, hiện công tác chỉ đạo xử lý các dự án DN đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ đảm bảo bám sát quan điểm, mục tiêu nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, DN theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Báo cáo nêu rõ, đối với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ: Đến năm 2018 và 8 tháng năm 2019 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận sau thuế đạt 7,299 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng). Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với 4 dự án còn thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững. So với năm 2017, năm 2018 Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, trong 8 tháng năm 2019, Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 284,619 tỷ đồng nhưng Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,928 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 94,258 tỷ đồng, Công ty DQS lỗ 15,25 tỷ đồng (giảm lỗ 46,47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018).

12 du an nganh cong thuong giai quyet dut diem cac ton dong
Bộ Công Thương đã có công văn gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị xây dựng hồ sơ đề xuất đưa Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng ra khỏi Đề án

Đối với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh: Đến nay có 1 dự án đã vận hành trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất. Đáng chú ý, dự án Nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ tiếp tục vận hành mở rộng được từ 10 dây chuyền DTY lên 12 dây chuyền (hiện nay, theo yêu cầu của đối tác nhà máy tạm thời giảm xuống 7 dây chuyền); Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi đã tiến hành sản xuất theo hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 sản xuất ra 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao (5.500-5.700 đồng/kg) nên đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và đã dừng hợp tác. Hiện nay BSR-BF đang triển khai tìm kiếm các đối tác khác theo quy định; Dự án Nhà máy NLSH Bình Phước đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng khởi động lại, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.

Riêng với 3 dự án xây dựng dở dang: Tổng công ty Giấy Việt Nam đã trình Bộ Công Thương phương án để tiếp tục xử lý và tổ chức triển khai bán đấu giá Dự án lần thứ hai theo quy định; Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Bộ Công Thương khẳng định, việc xử lý các dự án đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2019 là 20.063 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với thời điểm 31/3/2019).

Doanh nghiệp chủ động hướng đến giải pháp bền vững

Bộ Công Thương cho biết, cùng với việc rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, nguyên nhân và triển khai thực hiện các giải pháp, phương án xử lý các dự án, doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra đã được Ban chỉ đạo chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tích cực, khẩn trương. Đến nay, toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau để phát hiện các sai phạm, vi phạm pháp luật, qua đó đã từng bước làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan và đã triển khai xử lý nghiêm minh theo qui định của pháp luật.

Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ đề xuất đưa Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng ra khỏi Đề án báo cáo Ban Chỉ đạo và chuyển giao hồ sơ, tài liệu Dự án về Ủy ban sau khi hoàn thành. “Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị xây dựng hồ sơ đề xuất đưa Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng ra khỏi Đề án. Căn cứ hồ sơ do Tập đoàn Hóa chất gửi về, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành để lấy ý kiến góp ý và đã có công văn gửi Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung cụ thể để có căn cứ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí đưa dự án ra khỏi danh sách theo ý kiến góp ý của các Bộ ngành” - báo cáo nêu rõ.

Ngày 30/9/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ và trình Trưởng ban chỉ đạo để xem xét (tại Văn bản số 7257/BCT-KH). Thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo (tại Văn bản số 9091/VPCP-KTTH ngày 7/9/2019 của Văn phòng Chính phủ), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã tổng hợp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đưa dự án ra khỏi dánh sách (tại Văn bản số 1537/UBQLV-TH ngày 10/10/2019) và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với xử lý tranh chấp các hợp đồng EPC, hiện có 7 dự án, DN phát sinh vướng mắc, tranh chấp đối với hợp đồng EPC đến nay vẫn chưa giải quyết được theo tiến độ đã đề ra, một số trường hợp không dàn xếp được và phải đưa ra trọng tài quốc tế phân xử: Đối với 03 dự án nhà máy sản xuất phân bón (Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai): Các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.

Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy gang thép Thái Nguyên: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng công ty CP Thép Việt Nam đã rà soát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng EPC với nhà thầu MCC và phân tích khả năng giải quyết xong vướng mắc để nhà thầu MCC tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC; đề xuất giải pháp sau khi đã có ý kiến tham vấn của Bộ Tư pháp và Tư vấn luật NH Quang và Cộng sự. Tuy nhiên, sau khi rà soát các vướng mắc, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Tổng công ty CP Thép Việt Nam nhận thấy đến nay không thể đàm phán giải quyết được vướng mắc hợp đồng EPC với Nhà thầu MCC để tiếp tục triển khai dự án.

Cuối cùng, với Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi, Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ và Công ty DQS: Hiện nay các bên vẫn đang tiếp tục làm việc để giải quyết các tranh chấp do chưa thống nhất được với các nhà thầu về phương án giải quyết tranh chấp và các giải pháp xử lý cuối cùng.

Để giải quyết tồn đọng này, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các tập đoàn, tổng công ty ra soát, cập nhập, đánh giá kỹ lại các vấn đề cụ thể còn vướng mắc, tranh chấp các hợp đồng EPC, quyết toán và xử lý tài sản của dự án; xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể. Thuê đơn vị tư vấn luật và tham vấn Bộ Tư pháp và các Bộ ngành liên quan để sớm xử lý dứt điểm.

Bên cạnh đó, đối với các DN đang có hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp đổi mới quản trị DN, tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch thị trường…để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN một cách bền vững. Coi đây là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên, phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị, loại bỏ tâm lý “trông chờ” vào hỗ trợ của Nhà nước.

Bộ Công Thương khẳng định, việc xử lý các dự án, DN phải vừa tổng thể, vừa cụ thể, khẩn trương nhưng phải thận trọng chắc chắn từng bước. Thực hiện đồng bộ các giải pháp theo phương án đã được xem xét, phê duyệt, vướng mắc ở đâu, xử lý ở đó, không chờ đợi làm kéo dài thời gian, gia tăng thiệt hại của Nhà nước trong đầu tư các dự án, DN.

Theo Báo Công Thương điện tử

Tin khác

Sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng gần 10% (30/09/2019 14:38)

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (18/09/2019 08:37)

Sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (30/08/2019 08:38)

Quảng Nam: Đầu tư 1.775 tỷ đồng xây dựng hạ tầng 92 cụm công nghiệp (26/08/2019 08:10)

Giải pháp nào thúc đẩy sản xuất tại Cụm công nghiệp Nam Quang (21/08/2019 08:40)

91,9% DN lạc quan về sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2019 (16/08/2019 08:38)

Công nghiệp khuôn mẫu và cơ khí chính xác: Liên kết để phát triển (14/08/2019 14:15)

Ngành công nghiệp phải là động lực tốt cho tăng trưởng kinh tế (07/08/2019 09:07)

Sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ (30/07/2019 14:30)

Bổ sung điều kiện điều chỉnh phương án phát triển cụm công nghiệp (19/07/2019 08:49)

xem tiếp