Thứ sáu, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024

Thanh tra

Gửi Email In trang Lưu
Tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang

16/06/2017 11:06

Tại tỉnh ta, thời gian qua mặc dù chưa có tình trạng ngộ độc rượu xảy ra nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, đặc biệt là mặt hàng rượu thủ công vẫn chưa thực sự được sự quan tâm đúng mức. Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn tỉnh và các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Đoàn kiểm tra Sở Công Thương tiến hành kiểm tra cơ sở nấu rượu của HTX Tiên Long (tổ 3 thị trấn Yên Bình, huyện Quang Bình)

       Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và các cấp chính quyền địa phương để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ nấu rượu bằng phương pháp thủ công, các cơ sở kinh doanh buôn bán lẻ rượu, các cửa hàng ăn uống; xử lý nghiêm các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế rượu; vi phạm về ghi nhãn mác, vi phạm về công bố hợp quy, về chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc diễn ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có tem, nhãn, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định, đồng thời tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 của Bộ Công Thương về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 Ngày 9/5/2017, Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-SCT về việc kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang, từ ngày 15/5/2017 đến 26/5/2017 kiểm tra 9 đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn tỉnh gồm: HTX Tiên Long (Thương hiệu rượu ngô Quang Bình); HTX sản xuất và dịch vụ Quang Sơn (Thương hiệu rượu gạo Nàng Cay); Hộ kinh doanh rượu Tửu Vương (Thương hiệu rượu gạo Tửu Vương); HTX Trung Hải (Thương hiệu rượu ngô Bản Bang); Công ty Cổ phần rượu bia Hà Giang; Công ty TNHH Nguyên Hương (Sản xuất với 3 thương hiệu: Rượu ngô Mã Pì Lèng hạ thổ lâu năm, rượu nếp chum Hương Nguyên, rượu ngô chum Hương Nguyên); Cơ sở Nguyễn Thị Thủy (Sản xuất với 3 thương hiệu: Rượu thóc hạ thổ, rượu chum hạ thổ, rượu ngô hạ thổ); Công ty TNHH Hương Sơn; Hộ kinh doanh Đỗ Xuân Trường.

Tại thời điểm kiểm tra có 08 cơ sở đang hoạt động bình thường; 01 cơ sở tạm ngừng hoạt động. Qua kiểm tra, nhìn chung các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công về cơ bản chấp hành theo đúng quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Tuy nhiên, một số cơ sở còn có những hạn chế: Người trực tiếp sản xuất không mang bảo hộ lao động; chưa treo các biển hiệu khu vực sản xuất theo quy định; đơn vị còn thiếu giấy chứng nhận sử dụng và quản lý mã số mã vạch do Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp; chưa có tủ lưu mẫu, sổ lưu mẫu; chưa làm thủ tục thay đổi giấy phép sản xuất rượu thủ công (khi đơn vị thay đổi địa điểm sản xuất) tại cơ sở thôn Tả Vải, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang của Công ty TNHH Nguyên Hương; chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất không có giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

Thực tế hiện nay, tại các huyện trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít hộ dân nấu rượu theo hình thức thủ công, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, ở các hộ gia đình. Theo phản ánh từ các hộ sản xuất rượu thủ công thì bộ thủ tục cấp phép sản xuất rượu hiện nay còn phức tạp, nhiều giấy tờ như: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy công bố hợp quy, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, liệt kê tên rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa sản phẩm rượu cá nhân dự kiến sản xuất… Hơn nữa, việc nấu rượu thủ công của đồng bào dân tộc vùng cao có từ lâu đời và trở thành phong tục tập quán; cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhỏ lẻ, vốn ít, lại không thường xuyên nên khó yêu cầu các hộ này làm đủ các thủ tục để được xin cấp giấy phép sản xuất rượu. Đây cũng là một trong những khó khăn đối với ngành Công Thương trong công tác quản lý sản xuất, kinh doanh rượu.

Để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức việc rà soát, thống kê, cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện sản xuất kinh doanh rượu thủ công; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng rượu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu thủ công, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công trên địa bàn tỉnh đi vào trật tự, nề nếp và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng./.

TRẦN LY

Tin khác

Kiểm tra hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung trên địa bàn tỉnh Hà Giang (27/10/2016 11:00)

Bỏ ngỏ quản lý chất lượng vàng trang sức (28/09/2016 08:13)

Nhiều tiệm vàng vẫn vi phạm quy định mua bán vàng (22/09/2016 07:44)

Thanh tra gắn với tuyên truyền, quản lí lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ (16/09/2016 07:53)

Công tác kiểm tra định kỳ về hoạt động điện lực tại các huyện trong tỉnh (17/12/2014 09:56)

Thanh tra Sở Công Thương với công tác kiểm tra hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (02/10/2014 15:20)

xem tiếp