Tăng cao nhất trong 6 năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao

04/12/2019 23:59

Dù ảnh hưởng mạnh bởi dịch tả lợn châu Phi, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn đạt những kết quả khả quan khi tăng trưởng ổn định ở mức cao và tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao.

 Duy trì tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa trong tháng 11 không có biến động lớn. Hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ các ngày lễ, tết cuối năm nên thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn; nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản tốt, giá tương đối ổn định. Các mặt hàng thiết yếu khác như đường, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, phân bón… nhu cầu cũng tăng nhưng nguồn cung dồi dào, giá không có biến động lớn. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, giá mặt hàng này có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 25-30% so với tháng 9) và hiện đang ở mức khá cao.

tang cao nhat trong 6 nam tong muc ban le hang hoa tiem can muc tieu quoc hoi giao
Đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu

Nguyên nhân của việc tăng giá nêu trên là do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn cùng với việc không thể tái đàn ở các vùng dịch trong những tháng tiếp theo đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay). Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung giống giảm nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí rất cao cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.

Tuy nhiên, nhìn chung cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo, hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm cung - cầu các loại hàng hóa trong những tháng cuối năm 2019. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây. Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.481,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,3% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,7%).

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cho thấy sức mua ổn định và tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Mức tăng này cũng đang dần tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao cho ngành Công Thương (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,5 – 12%).

Đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu cuối năm

Trong tháng cuối năm, dự báo nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa Tết bắt đầu tăng; nhu cầu nhiên liệu năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống. Quy mô của các nhóm bán lẻ hàng hóa và lưu trú ăn uống, dịch vụ khác tiếp tục tăng do có nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm và các dịp lễ như Noel, nghỉ Tết dương lịch. Tuy nhiên nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá dồi dào, giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.

Để đảm bảo cung cầu và giá cả hàng hóa dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương luôn coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy Bộ Công Thương luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.

Trước hết, trong nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh – những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình, chủ động nguồn cung.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía Tây Nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt. Quan trọng hơn nữa là chúng ta cũng kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù chúng ta thiếu nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia chúng ta cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có hai quốc gia này. Vì vậy dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lại có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình trong nước, cung-cầu, với các biện pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung trong nước. Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo được lượng lợn nhập khẩu ở các nước và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam để đảm bảo nguồn cung về thịt lợn nói chung từ nay đến Tết và cả sau Tết” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

 

Theo Báo Công Thương điện tử