Các Bộ ngành, địa phương chia sẻ gì với Bộ Công Thương?

11/01/2022 08:00

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, các Bộ ngành, địa phương đã chia sẻ về sự vào cuộc của Bộ Công Thương trong việc phối hợp với các bộ ngành, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong việc vượt qua khó khăn do đại dịch, hoàn thành mục tiêu năm 2021.

Phối hợp kịp thời với các Bộ, ngành

Chúc mừng những thành tích đạt được của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, nhìn lại 1 năm đầy thách thức, nhất là trong thời gian các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, mới thấy thành tích của toàn ngành Công Thương rất đáng trân trọng. Đặc biệt, chuỗi cung ứng nội địa bị đứt đoạn, thị trường gần như đóng băng do nhiều chợ đầu mối, trung tâm thương mại tạm ngừng hoạt động; thị trường xuất khẩu thiếu hụt phương tiện vận chuyển, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động. Cuối năm, xảy ra tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu.

Các Bộ ngành, địa phương chia sẻ gì với Bộ Công Thương?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Trong khó khăn đó, với nhiều nỗ lực, Bộ Công Thương, phát huy vai trò tham mưu với Chính phủ, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nối kết chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mở dần thị trường… “Những thành tích của ngành nông nghiệp trong năm 2021 đã nhận sự hỗ trợ, phối hợp, đồng hành kịp thời của Bộ Công Thương. Mỗi khi ngành nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân gặp khó khăn, từ lãnh đạo, cán bộ cơ quan ngành Công Thương đều chủ động tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Từ giảm đà tăng giá vật tư nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp, doanh nghiệp, nông dân thông qua vận động DN, điều tiết cân bằng xuất nhập khẩu phân bón, kiểm soát thị trường nông nghiệp, hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, hàng gian, hàng giả kém chất lượng.”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tháng 7/2021, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương đã ký kết Chương trình phối hợp sản xuất chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông nghiệp, góp phần mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp Việt Nam và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước thị trường quốc tế. Chương trình phối hợp này đã làm tiền đề, hàng chục triệu nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, nông dân vượt qua khó khăn trong đại dịch ….

Bên cạnh đó, Diễn đàn kết nối cung ứng nông sản tiêu thụ nông thôn, luôn nhận được sự tham gia, tích cực của Bộ Công Thương. Nhận định năm 2022 còn khó khăn hơn năm 2021, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là năm đầu tiên ngành nông nghiệp thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tới năm 2030, tầm nhìn tới 2050. Chiến lược hướng tới ngành nông nghiệp sinh thái, bền vững và chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tức là cần mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm chế biến, tạo ra đa giá trị trong ngành hàng nông sản.

“Chiến lược không chỉ của ngành NN&PTNT mà của các bộ, ngành liên quan và địa phương, nhất là vai trò kết nối thị trường của ngành Công Thương” - theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để có ngành nông nghiệp sinh thái, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì ngành cần chuyển sử dụng hoá từ phân bón vô cơ sang hữu cơ, sinh học. Đề nghị 2 Bộ cùng đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ, chuyển dần sang sản xuất vật tư nông nghiệp sinh học, thân thiện môi trường.

Để thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng nhờ tận dụng các FTA, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng Bộ NN&PTNT xây dựng các đề án xuất khẩu nông sản sang từng thị trường có tiềm năng. Hiện Bộ NN&PTNT đang làm dự thảo đề án, theo hướng chuẩn hoá vùng nghiên liệu theo kĩ thuật từng thị trường; lập các liên minh doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp logistics và các địa phương có vùng nguyên liệu.

“Tôi rất ấn tượng với chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh về "5 hiểu lầm trong xuất khẩu nông sản quốc tế" và Bộ NN&PTNT cũng đã nhìn ra những bất cập trong xuất khẩu nông sản vừa qua.” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ và cho biết thêm: "Đừng vội mừng khi vài chuyến hàng, vài sản phẩm tới thị trường châu Âu. Theo cơ quan ngoại giao tại nước ngoài, những chuyến hàng này vẫn là mang tính chất tự phát, chủ yếu nằm ở gian hàng người gốc Á, chứ chưa được chuẩn hoá, chưa vào hệ thống phân phối lớn nước ngoài. Các doanh nghiệp đối tác, đại sứ ở châu Âu nói rằng, cần chuyên nghiệp hoá, đề án từ xúc tiến thị trường, văn hoá thị trường, bởi thị trường 27 nước châu Âu không có sự đồng nhất về văn hoá tiêu dùng…".

Vì vậy, Bộ Công Thương cùng Bộ NN&PTNT cần xây dựng phát triển thị trường nông sản trong nước ; tiếp tục nghiên cứu chế biến đa dạng hoá sản phẩm và xúc tiến triển khai kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng ở nước ngoài trong 5 năm tới.

Các Bộ ngành, địa phương chia sẻ gì về Bộ Công Thương?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ

Là một trong những Bộ luôn đồng hành, sát cánh với Bộ Công Thương trong các hoạt động trong nước và thông qua mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ ấn tượng đặc biệt với 3 vấn đề của Bộ Công Thương: Kim ngạch xuất nhập khẩu; quy mô thị trường xuất khẩu và có nhiều FTA nhất trong khu vực Đông Nam Á, cùng Singapore. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam luôn có thuận lợi hơn so với các nước không có FTA. Trong năm, tăng trưởng ở các thị trường có FTA là rất cao.

"Kết quả này thể hiện nỗ lực vượt khó rất cao của ngành Công Thương trong thời gian qua. Không chỉ vậy, ngành Công Thương thích ứng nhanh, hiệu quả trước bối cảnh khó khăn. Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt, Bộ Công Thương cũng cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nhiệp. Trong năm, ngành phát huy vai trò rất tốt là ngành xương sống của kinh tế khi đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống. Tự hào với những thành tựu của ngành, đây là nền tảng, là bước đệm để phát triển trong giai đoạn tới" - Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đánh giá.

Tuy nhiên, thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, cần đặt vấn đề mạnh hơn để có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong thực thi triển khai các cam kết trong các FTA; hỗ trợ doanh nghiệp, quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Các địa phương đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Công Thương

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung, gắn với kết nối liên vùng. Đồng thời đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hoá, đã đáp ứng nhu cầu hàng hoá dịch vụ thiết yếu, ổn định giá cả, đa dạng kênh phân phối. Tích cực tổ chức các điểm cầu kết nối cung cầu với 63 tỉnh thành phố.

Các Bộ ngành, địa phương chia sẻ gì về Bộ Công Thương?
Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, cùng kế hoạch 246 về phục hồi phát triển kinh tế của thành phố, trong đó tập trung vào công tác cải cách hành chính, thành phố đã tổ chức đối thoại, gặp mặt tháo gỡ khó khăn, triển khai các chương trình phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh công tác khuyến công, thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá… Hiện nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hoạt động bình thường. Chuỗi cung ứng được phục hồi. Bộ Công Thương cũng đã phối hipwj với thành phố triển khai các chương trình kết nối cung cầu, thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, xuất khẩu, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng… Thành phố cũng duy trì sản xuất an toàn, kết hợp chống dịch, đẩy mạnh sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Thời gian qua, ngành Công Thương đã tham mưu, ban hành các văn bản về phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất an toàn. Đồng thời chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội và doanh nghiệp để duy trì ổn định chuỗi cung ứng. Cho nên dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhiều nhà máy phải đóng cửa nhưng các chỉ tiêu về sản xuất, xuất khẩu của thành phố vẫn đạt mức khả quan, góp phần cho công tác an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu tiêu kép là tăng trưởng và phục hồi phát triển kinh tế” – ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Kết quả, GRDP của Hà Nội năm 2021 ước tính tăng 2,92% so với năm 2020. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 3,85%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn mặc dù sản xuất cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là các ngành sản xuất, xuất khẩu sản phẩm và sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện nhập khẩu.

Đối với tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Dành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2021, Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng bề bởi dịch bệnh. Nhưng nhờ sự nỗ lực, đồng hành của Chính phủ, các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp, Bình Dương đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn dịch bệnh gắn với phát triển kinh tế xã hội. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dần quay trở lại sản xuất. Người lao động quay trở lại làm việc đạt 80%.

Đối với lĩnh vực Công Thương, hiện nay Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với 17 ngàn ha; tỷ lệ cho thuê đất đạt trên 90%. Tỉnh cũng có 12 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 70%.

Thời gian qua, địa phương đã tập trung xây dựng chương trình bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá, tạo điều kiện cho thương mại quốc tế phát triển. Cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 32 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu; nhập khẩu đạt 25 tỷ USD, tăng 14,7%; thặng dư gần 7 tỷ USD.

“Kết quả trên có một phần đóng góp của ngành Công Thương trong việc phối hợp với các Bộ ngành khác hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện phòng dịch trong sản xuất kinh doanh, dự trữ hàng hoá, bình ổn thị trường” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Là tỉnh công nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đánh giá, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có những nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính căn cơ lâu dài để giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh, bảo đảm đời sống nhân dân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tận dụng các cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi, cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với tình hình mới, xu thế mới và cơ hội mới.

“Trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương thường xuyên chỉ đạo các giải pháp duy trì hoạt động các dự án công nghiệp lớn trong các ngành nền tảng như thép, ôtô, cơ khí, hóa chất, năng lượng cũng như hạn chế tối đa sự đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực như dệt may, da - giày, chế biến thực phẩm, điện tử… Bên cạnh đó, đã có nhiều đề xuất có tác dụng tốt cho các địa phương duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh cả trong và ngoài vùng dịch. Đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá, không có sự tăng giá đột biến, không có chuyện khan hàng" - bà Nguyễn Thanh Hải chỉ rõ.

Nhằm hoàn thành các mục tiêu cho năm 2022, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Thái Nguyên đề xuất Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần xem xét, sửa đổi Nghị định 52 về làng nghề, ngành nghề nông thôn để thúc đẩy phát triển làng nghề. Bộ Công Thương cũng cần xem xét ban hành quy định hệ thống phân phối phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống phân phối hiện đại, phù hợp với mục tiêu. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ theo yêu cầu đòi hỏi thực tiễn...

https://congthuong.vn/