Đánh giá, phân hạng chất lượng sản phẩm OCOP

04/12/2019 23:52

Thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh ta đã tổ chức đánh giá, phân hạng sao cho các sản phẩm; thông qua đây, các cá nhân, đơn vị sẽ được hỗ trợ tư vấn để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và hoàn thiện quy trình sản xuất.

 

Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm các sản phẩm.
Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm điểm các sản phẩm.

Đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và sản phẩm của 10/11 huyện, thành phố với 86 bộ hồ sơ của 6 ngành sản phẩm đủ điều kiện. Cụ thể, ngành thực phẩm có 68 hồ sơ; ngành đồ uống 10 hồ sơ; ngành thảo dược 3 hồ sơ; thủ công mỹ nghệ, trang trí 1 hồ sơ; vải, may mặc 3 hồ sơ; dịch vụ du lịch và bán hàng có 1 hồ sơ. Các sản phẩm được chấm điểm phải bám sát tiêu chí đó là: Thể hiện được ý tưởng của đơn vị, tổ chức, cá nhân; nêu rõ nguồn gốc nguyên liệu, màu sắc, mùi vị, dinh dưỡng, quy cách sản phẩm; thiết kế nhãn mác, bao bì, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo các tiêu chuẩn hiện hành.

Theo đánh giá của Hội đồng, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chưa đa dạng, chủ yếu tập trung ở nhóm ngành thực phẩm, đồ uống; nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động môi trường; mẫu mã bao bì một số sản phẩm còn thô sơ, đơn giản. Đa số sản phẩm thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá… Ông Tráng Thìn Lù, Giám đốc HTX Mật ong dược liệu Thanh Vân, cho biết: “HTX có gần 600 tổ ong, hàng năm xuất ra thị trường hơn 2 nghìn lít mật; nếu được gắn sao trên sản phẩm OCOP sẽ giúp sản phẩm của HTX đứng vững trên thị trường”.

Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo các quy định; từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; khích lệ phong trào thi đua khởi nghiệp dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương; xây dựng ý tưởng, nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Qua quá trình đánh giá, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình đến các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, tạo phong trào sâu rộng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP.

Theo Báo Hà Giang điện tử