An toàn trong hoạt động kinh doanh khí

26/06/2018 08:09

Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã nêu rõ quy định về an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.

 

Ảnh minh họa

Nghị định nêu rõ, thương nhân sản xuất, chế biến; thương nhân xuất, nhập khẩu; thương nhân kinh doanh mua bán khí; thương nhân sản xuất, sửa chữa chai LPG, chai LPG mini; trạm nạp, trạm cấp, trạm nén khí; thương nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê bồn, kho chứa LPG chai, kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải phải xây dựng chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Trường hợp cơ sở kinh doanh khí bao gồm nhà xưởng sản xuất, chế biến, cảng xuất nhập, kho chứa, trạm nạp, trạm cấp liền kề nhau và cùng một chủ sở hữu thì Chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được lập chung cho cơ sở.

Hàng năm, các cơ sở theo quy định trên phải thực hiện diễn tập các phương án trong kế hoạch ứng cứu khẩn cấp đã được chấp thuận.

Bên cạnh đó, phải có đầy đủ quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố và quy định về an toàn được lãnh đạo cơ sở phê duyệt. Các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định. Phương tiện, thiết bị đo lường phải được kiểm định hoặc hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường. Phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các thiết bị, công trình đến hàng rào ranh giới của cơ sở hoặc những nơi cần bảo vệ theo quy định. Đảm bảo các quy định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Những người có liên quan đến việc quản lý, người lao động làm việc tại cơ sở kinh doanh khí, kể cả người điều khiển phương tiện vận chuyển khí phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Định kỳ hàng năm cơ sở kinh doanh khí tự tổ chức huấn luyện hoặc thuê tổ chức huấn luyện thực hiện việc huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người lao động.

Nghị định nêu rõ, Bộ Công Thương quy định chương trình, nội dung huấn luyện kỹ thuật an toàn trong hoạt động kinh doanh khí. Sở Công Thương kiểm tra việc thực hiện huấn luyện về kỹ thuật an toàn của các cơ sở kinh doanh khí.

An toàn đối với bồn chứa khí, đường ống vận chuyển khí

Nghị định nêu rõ, bồn chứa khí phải được lắp đặt đầy đủ các thiết bị an toàn và đo kiểm theo quy định. Bồn chứa phải được lắp đặt van đóng ngắt khẩn cấp. Bồn chứa phải đặt ở ngoài trời, bên ngoài nhà, bên ngoài các công trình xây dựng kín. Không đặt bồn chứa trên nóc nhà, ban công, trong tầng hầm và dưới các công trình. Các bồn chứa cố định không được đặt chồng lên nhau. Các bồn chứa hình trụ nằm ngang không được đặt thẳng hàng theo trục dọc, hướng về phía nhà ở hoặc các công trình dịch vụ. Bồn chứa chìm không được đặt dưới khu vực kho chứa chất lỏng dễ cháy khác.

Đường ống vận chuyển khi đi nổi phải có giá đỡ chắc chắn, được sơn theo màu quy định. Đường ống vận chuyển khí đi ngầm phải được bảo vệ để tránh ăn mòn bằng biện pháp phù hợp. Định kỳ phải kiểm tra đường ống, độ dày đường ống theo quy định. Khoảng cách an toàn giữa các đường ống, giữa đường ống với các đối tượng tiếp giáp phải đáp ứng theo quy định.

An toàn đối với trạm nạp LPG vào chai

Theo Nghị định, không được bố trí trạm nạp LPG vào chai ở tầng hầm hoặc trong các tầng nhà của chung cư, nhà cao tầng. Sàn trạm nạp phải bằng phẳng, bằng hoặc cao hơn mặt bằng xung quanh. Trường hợp sàn được nâng cao thì khoảng trống bên dưới được lấp kín hoặc nếu để trống phải có biện pháp thông thoáng. Không được cất giữ, bảo quản các đồ vật, các chất dễ cháy ở trong khoảng trống này.

Thực hiện nạp LPG vào chai theo đúng quy trình nạp của trạm nạp. Lượng nạp LPG vào chai phải theo đúng khối lượng quy định với mỗi loại chai tương ứng. Các chai sau khi nạp LPG phải được kiểm tra độ kín, được dán nhãn hàng hoá trên vỏ chai và niêm phong van chai. Các kho chứa LPG chai của trạm nạp LPG phải tuân thủ.

Nghị định nêu rõ, không được nạp LPG vào chai và phải thực hiện đánh giá loại bỏ hoặc sửa chữa/kiểm định chai trong các trường hợp sau: Khối lượng vỏ không đọc được hoặc không có; chai có khuyết tật hoặc hư hỏng ở tay cầm hoặc vành chân đai; chai có khuyết tật về vật lý ở thành chai; chai bị ăn mòn nhìn thấy được; chai có vết cháy do hồ quang, hoả hoạn; chai, van hoặc các cơ cấu giảm áp suất (nếu được trang bị) bị rò rỉ hoặc hư hỏng; chai quá thời hạn kiểm định; chai chưa được kiểm định hoặc không thể xác định được thời hạn kiểm định.

An toàn đối với cửa hàng bán lẻ LPG chai

Theo dự thảo, cửa hàng bán lẻ LPG chai phải có diện tích tối thiểu là 12 m2. Cửa hàng phải cách ly với các nguồn gây cháy ít nhất 3m về phía không có tường chịu lửa; nếu có tường chịu lửa thì không yêu cầu khoảng cách giữa nguồn gây cháy và cửa hàng. Kết cấu xây dựng, bậc chịu lửa của cửa hàng tối thiểu bậc II. Thiết bị điện của cửa hàng phải là loại phòng nổ, cách chai LPG tối thiểu 1,5 m.

Bên cạnh đó, chỉ được phép trưng bày trên giá quảng cáo những chai không chứa LPG. Nơi chứa chai LPG phải bảo đảm thông thoáng. Không được bố trí trong phòng kín, hầm kín, không được cất giữ chai LPG ở khu vực cửa ra vào, lối đi công cộng. Trường hợp có kho chứa LPG chai, kho phải có ít nhất 1 cửa chính và 1 lối thoát dự phòng có cửa mở ra phía ngoài. Không được tiến hành sửa chữa chai, nạp LPG tại cửa hàng.

An toàn vận chuyển LPG

Nghị định nêu rõ, ô tô vận chuyển LPG chai phải được cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo quy định hiện hành. Chai phải xếp theo chiều thẳng đứng, van chai ở phía trên. Đối với chai có dung tích trên 99 lít chỉ được xếp một lớp. Chai có dung tích dưới 99 lít được xếp từ 2 lớp trở lên nhưng không được cao hơn thành xe và giữa hai lớp phải có lớp ván lót. Không được đỗ ô tô nơi gần nguồn gây cháy, nơi có nhiều người và phương tiện qua lại. Trường hợp ô tô tạm đỗ để bốc dỡ hàng phải đỗ ở nơi bảo đảm an toàn cho người và không cản trở các phương tiện giao thông khác.

Xe gắn máy (hai bánh) vận chuyển LPG chai phải có giá đỡ chắc chắn, chai phải luôn ở vị trí thẳng đứng, van chai hướng lên trên. Không được vận chuyển LPG chai cùng với người trong thang máy, trừ người trực tiếp vận chuyển. Khi cung cấp LPG chai cho khách hàng sử dụng, cửa hàng LPG phải cung cấp cho khách hàng 1 bản phiếu giao hàng và có 1 bản lưu tại cửa hàng, trong đó phải có các thông tin tối thiểu: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, nơi nhập chai chứa cho cửa hàng, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày giao chai cho khách hàng, tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ của cửa hàng.

Khi giao nhận phải kiểm tra độ kín của van chai, các đầu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay chai LPG xong, có sự chứng kiến quá trình kiểm tra và ký tên xác nhận vào biên bản giao nhận của khách hàng sử dụng...

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2018.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ