Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

11/01/2022 07:30

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương và 80 Điều đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi của người dân và doanh nghiệp đến trước ngày 11/3/2022.

 

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Từ khi ra đời đến nay, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp một phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài...

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được giao tại Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội và Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 24/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đã chủ động, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương và 80 Điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có 6 Chương, 51 Điều. Dự thảo Luật hiện giữ nguyên 13 Điều khoản, sửa đổi 38 Điều khoản và bổ sung mới 29 Điều khoản, trong đó, bổ sung thêm 01 Chương về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh”.

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương công bố toàn văn Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và Dự thảo Tờ trình Chính phủ xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ý kiến góp ý gửi theo địa chỉ: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương; số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: bvntd@moit.gov.vn. Hạn lấy ý kiến: Trước ngày 11/3/2022.

https://congthuong.vn/