Sửa đổi Luật Điện lực: Hướng tới khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện

07/01/2022 08:00

Tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện nhưng vẫn phải đảm bảo độc quyền của nhà nước về vận hành lưới điện truyền tải.

Khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành

Để thể chế hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 5 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng”; “nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong từng thời kỳ”.

Sửa đổi Luật Điện lực: Hướng tới khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp tổ ngày 6/1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - đoàn Sóc Trăng đánh giá, mặc dù Luật Điện lực chưa sửa nhưng đã có cơ chế để các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà máy điện, đầu tư luôn hệ thống truyền tải để có thể kết nối nguồn điện vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

“Chúng ta khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện nhưng vẫn phải đảm bảo độc yếu tố độc lập, dưới sự kiểm soát của Nhà nước trong vận hành hệ thống truyền tải điện” - ông Hoàng Thanh Tùng nói, đồng thời chia sẻ, đây là nội dung đã được khẳng định trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, bởi nó có liên quan đến an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng, cho nên vẫn phải đảm bảo yếu tố độc quyền Nhà nước trong bối cảnh có đầu tư tư nhân được khuyến khích vào phát triển hạ tầng điện lực.

Cũng liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Điện lực, ông Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực nhằm thể chế chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành và giải quyết vướng mắc liên quan đến độc quyền truyền tải điện. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nếu chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực thì sẽ không xử lý dứt điểm được những vướng mắc trong truyền tải điện, do đó cần rà soát để sửa đổi các điều khoản khác có liên quan đến vấn đề này.

Ông Nguyễn Phương Tuấn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục làm rõ phạm vi độc quyền của nhà nước trong truyền tải điện quốc gia; quyền và nghĩa vụ trong vận hành truyền tải trong khu vực tư nhân và nhà nước; quyền tự do thỏa thuận giữa các tổ chức hoạt động điện lực, sử dụng điện và các nhà đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo quy định pháp luật; có quy định tháo gỡ điểm nghẽn bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, nhất là trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Chia sẻ tại sao Bộ Công Thương lại trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội trước mắt sửa đổi khoản 2, Điều 4 của Luật Điện lực, tức là tạo cơ chế xã hội hóa ở lĩnh vực truyền tải điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu, thứ nhất, để chúng ta giải tỏa được công suất của các nhà máy điện đã đầu tư trong những năm qua cả về đầu tư nhà nước cũng như đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân.

Hiện công suất nguồn khả dụng rất lớn nhưng phụ tải tại chỗ rất thấp cho nên cần phải có hệ thống truyền tải tốt mới giải tỏa được. Trên thực tế có những nhà máy điện mặt trời, điện gió mới chỉ giải tỏa được khoảng 30-40% công suất.

Sửa đổi Luật Điện lực: Hướng tới khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện
Phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự

Thứ haiđể khai thác những tiềm năng, lợi thế ở những địa phương có khả năng phát triển về điện năng lượng tái tạo và điều này cũng phù hợp với cam kết của chúng ta ở COP26. Đầu tư vào hệ thống truyền tải điện giúp chúng ta có thể khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất nước để khai thác có hiệu quả những nguồn năng lượng, nhất là nguồn năng lượng tái tạo, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, qua làm việc, trao đổi với các nước, các đối tác, họ cũng khuyến cáo chúng ta để khai thác được năng lượng tái tạo thì không chỉ đầu tư vào hệ thống truyền tải mà phải quan tâm đầu tư vào hệ thống lưu trữ điện, tích điện, nhất là tích năng lượng sạch.

Tư nhân được đầu tư và quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp truyền tải

Về vấn đề giao cho tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, phạm vi chỉ đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm biến áp truyền tải trừ lưới điện xương sống - có ý nghĩa quan trọng về an ninh hệ thống điện. “Đối với các đường dây truyền tải 220 kV ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, về quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải liên miền, liên khu vực ở cấp điện áp siêu cao áp 500 kV và siêu cao áp trên 500kV trong tương lai thì cần nhà nước đầu tư”- người đứng đầu ngành Công Thương nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý, dù là nhà nước hay tư nhân đầu tư đều phải tuân thủ các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, điều độ và vận hành hệ thống điện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn.

Sửa đổi Luật Điện lực: Hướng tới khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội trao đổi bên lề phiên họp tổ

Liên quan đến vấn đề quyền đấu nối thì với các nhà đầu tư lưới điện phải đạt các tiêu chuẩn quy định của ngành điện, đạt các tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, an toàn về hệ thống. Mặc dù, các doanh nghiệp đầu tư về nguồn được quyền đấu nối vào hệ thống nhưng về nghĩa vụ thì họ phải trả phí cho quá trình truyền tải điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhà nước giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện cho nên sẽ bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, bảo đảm an ninh về năng lượng, an ninh quốc gia. Nhà nước sẽ độc quyền cả về vận hành những đường dây truyền tải cao áp và siêu cao áp quan trọng quốc gia, đồng thời sẽ kiểm soát thông qua việc đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống điện bằng các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Điện lực.

Theo đó, nhà nước hay tư nhân đầu tư thì phải tuân thủ những quy định này. Về giá điện thì theo quy định của Chính phủ cho ngành điện, cho nên các doanh nghiệp sản xuất điện hoặc phải tham gia đấu giá để cung cấp điện và áp dụng giá điện do cấp có thẩm quyền quyết định.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, ngành điện là ngành bình ổn giá nhưng lợi nhuận định mức chỉ được 3%, trong khi với ngành khác thì lợi nhuận do thị trường quyết định. Việc này cần làm rõ, bởi nếu như vậy thì có thu hút được nhà đầu tư không? Nhất là khi nhà đầu tư xây dựng nhà máy phát điện rồi liệu có đấu nối vào với hệ thống truyền tải điện hay không?

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quan điểm trước đây cho phép tư nhân đầu tư nhưng quản lý, vận hành, điều độ vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Do đó phát sinh yêu cầu sau khi tư nhân đầu tư xong phải bàn giao cho nhà nước. Đến dự thảo Luật lần này đã có sự phân cấp trong quản lý, vận hành. Như vậy tư nhân vừa có thể vừa đầu tư vừa quản lý, vận hành thì khi đó không cần thiết đặt ra vấn đề bàn giao lại cho nhà nước.

https://congthuong.vn/