Nguồn nước gặp khó, Bộ Công Thương kêu gọi tiết kiệm điện

13/12/2019 08:38

Bộ Công Thương đã chủ động đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ để đảm bảo việc cung cấp điện ổn định cho nền kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn nước gặp khó khăn, người dân cần tăng cường sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả.

 Ông Nguyễn Anh Tuấn- Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) công bố thông tin như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 12/12.

nguon nuoc gap kho bo cong thuong keu goi tiet kiem dien
Cung cấp điện ổn định đảm bảo điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân.

Cần tiết kiệm điện, tiết kiệm nước

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2019, tổng dung tích hữu ích hiện có ở hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường 15 tỷ m3, trong đó riêng với 3 hồ chứa lớn lưu vực sông Hồng (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) đã thiếu hụt gần 7,3 tỷ m3. Hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đề nghị tổ chức 3 đợt đổ ải với tổng số ngày đổ ải là 18 ngày và lượng nước cấp cho hạ du, phục vụ mục tiêu tưới tiêu ở Đồng bằng Bắc Bộ khoảng 4 tỷ m3.

Trong khi đó, riêng với hồ Thủy điện Hòa Bình ngoài việc sản xuất điện còn có nhiệm vụ xả nước xuống hạ du để cấp nước cho nhà máy nước sông Đà với lưu lượng tối thiểu là 400m3/s, đây là sản lượng liên tục phải duy trì để nhà máy nước sông Đà lọc nước, cấp nước cho Thủ đô Hà Nội. “Với tình hình nước, nhu cầu điện như hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu trên là hết sức khó khăn”- ông Tuấn bày tỏ.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đôn đốc các đơn vị triển khai lấy và sử dụng nước hiệu quả. “Ngày hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm ở các khu vực xung quanh Hà Nội, đôn đốc các đơn vị nạo vét kênh mương, trạm bơm để tận dụng nguồn nước… Quan trọng hơn, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng”- ông Tuấn nói

Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện phải có một phương thức vận hành hợp lý để tích nước, chuẩn bị cho mùa khô 2020.

Cam kết đảm bảo đủ điện

Để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện và cấp nước, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên Môi trường đã có nhiều buổi họp, làm việc, trao đổi với các tỉnh, thành phố để sử dụng nước, điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp, phát điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân theo hướng: Thứ nhất sử dụng hiệu quả nhất nguồn nước xả từ hồ thủy điện. Thứ hai, xem xét, giảm thiểu, rút ngắn lượng ngày xả nước bằng các giải pháp kỹ thuật.

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa do Thủ tướng ban hành. Song song đó, chủ động làm việc với các địa phương, các đơn vị cung cấp thủy lợi để phối hợp trong vấn đề sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương yêu cầu các nhà máy điện có phương thức vận hành phù hợp với tình hình vận hành thủy văn của từng hồ bởi hiện nay, lượng nước ở các hồ không được đồng đều. “Trên cơ sở đó, phương thức vận hành điện phải hết sức linh hoạt, tình huống xấu thì phải có giải pháp thay thế các nguồn nhà máy thuỷ điện. Hiện nước về các hồ không đồng đều. Năm 2020 cũng gặp khó khăn khi nguyên liệu đầu vào như than, khí khó khăn. Bằng mọi giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho năm sau, chúng tôi tính toán các kịch bản phụ tải cao và thấp”- ông Tuấn khẳng định

Ông Tuấn lý giải, năm 2019 hệ thống điện huy động 40% từ nguồn thuỷ điện, nếu không có nguồn dự phòng sẽ ảnh hưởng tới hệ thống điện. Từ năm ngoái phát triển thêm năng lượng mặt trời, điện gió khoảng 4.800 – 4.900 MW là nguồn năng lượng quý giá góp vào cho cung cấp điện.

Một mặt phải huy động hợp lý nhất các nguồn điện, triển khai các công trình giải toả nghẽn mạch trên đường dây truyền tải, lưới điện phân phối, công trình điện phải đưa vào đúng tiến độ như vậy mới đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới”- ông Tuấn nêu giải pháp.

 

Theo Báo Công Thương điện tử