Những sản phẩm OCOP 4 sao ở Mèo Vạc

10/02/2020 16:30

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và tăng giá trị sản phẩm; là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Tính đến nay, huyện Mèo Vạc đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao, gồm: Mật ong Bạc hà của HTX Tuấn Dũng; mật ong Bạc hà và rượu ngô Chí Sán của HTX dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng; rượu Mê Cung Đá của HTX Gia Hoàng.

 

Mật ong Bạc hà Tuấn Dũng đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Mật ong Bạc hà Tuấn Dũng đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Đến thăm HTX Tuấn Dũng, ông Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết: Bình quân hàng năm HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà khoảng từ 15 – 20 nghìn lít, chiếm khoảng 30% sản lượng mật ong toàn huyện. Để nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm, HTX chủ động liên kết sản xuất với người dân, sử dụng giống ong nội; vùng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất hay thức ăn nào khác trong chăn nuôi; tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm… Bên cạnh đó, HTX chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất bằng công nghệ máy hạ thủy phần với kích thước dài 4,5 m, rộng 4 m, cao 3,3 m, vật liệu Inox 304, công suất tách mật 30 lít/ giờ... Với việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống sẽ tạo ra sản phẩm mật ong Bạc hà chất lượng, hương vị thơm ngon, màu sắc vàng tươi hơn nhiều so với mật ong Bạc hà được quay thủ công. Hiện nay, sản phẩm mật ong Bạc hà của HTX đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ chỉ dẫn địa lý, cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; sản phẩm được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Với mục tiêu tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, phấn đấu đến năm 2021 sản lượng mật ổn định đạt trên 25 nghìn lít/năm; sản phẩm được giới thiệu bày bán trên hệ thống các siêu thị lớn; được chứng nhận ISO 22000 về quản lý an toàn thực phẩm; 30% sản lượng mật ong của HTX được xuất khẩu ra thị trường quốc tế; HTX là đầu mối liên kết thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất mật ong Bạc hà trên địa bàn toàn tỉnh… HTX tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu; thiết kế và không ngừng cải tiến mẫu mã bao bì; nghiên cứu thị trường; chủ động ký kết, hình thành hệ thống phân phối sản phẩm tại các siêu thị lớn; tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, các sự kiện được tổ chức trong nước… từ đó thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tạo việc làm cho người lao động.

Việc thúc đẩy, phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Mèo Vạc nói riêng và tỉnh ta nói chung không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu đặc sản của địa phương. Từ đó, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Theo Báo Hà Giang điện tử