Trăn trở... cam Sành - Kỳ 2: Bất cập trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

27/02/2020 14:30

Niên vụ 2019 – 2020 toàn tỉnh có gần 8,9 nghìn ha cam; trong đó, diện tích cam Sành trên nghìn ha, sản lượng chạm mốc 60,7 nghìn tấn trên tổng số gần 5,3 nghìn ha cho thu hoạch (tăng hơn 10 nghìn tấn so với niên vụ trước). Nhưng diện tích, năng suất, sản lượng tăng mạnh đã nảy sinh những bất cập trong sản xuất, tiêu thụ cam Sành.

 

Người dân xã Tiên Kiều (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành.             Ảnh THU PHƯƠNG
Người dân xã Tiên Kiều (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành. Ảnh THU PHƯƠNG

Theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020 của UBND tỉnh thì diện tích cam Sành đã tăng gấp 1,4 lần so với mục tiêu ổn định là 5.000 ha. Nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn sản xuất cam cho hiệu quả kinh tế cao; nhiều hộ tích cực chuyển đổi diện tích đất vườn, đồi tạp kém hiệu quả sang trồng cam. Thậm chí, nhiều xã như: Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Đồng Yên... của huyện Bắc Quang, cam Sành đã “nhảy dù” xuống ruộng bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về rủi ro tiềm ẩn như nguy cơ cam mắc bệnh tuyến trùng và mất an toàn về an ninh lương thực…

Cam “nhảy dù” xuống ruộng tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) .                                                                         Ảnh: THU PHƯƠNG
Cam “nhảy dù” xuống ruộng tại xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) . Ảnh: THU PHƯƠNG

Giá trị thực tế sản xuất thu được từ cây cam Sành toàn tỉnh đạt hàng trăm tỷ đồng/năm. Nhưng sản xuất cam từ trước tới nay chủ yếu tự phát, không theo quy hoạch, định hướng nên khó kiểm soát giá cả và chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được thực hiện nghiêm nên các cơ quan quản lý nhà nước khó đầu tư hạ tầng hỗ trợ sản xuất đồng bộ. Đặc biệt, nhiều nơi, sản xuất cam còn mang tính quảng canh, chưa theo hệ thống đồng bộ, thống nhất từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Khả năng đầu tư, thâm canh, áp dụng đúng quy trình đối với sản xuất cam còn hạn chế dẫn tới năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đồng đều… Thêm vào đó, sản xuất chưa mang tính hàng hóa cao theo yêu cầu của thị trường về chủng loại, chất lượng và số lượng.

Niên vụ cam 2019 - 2020, huyện Bắc Quang và Quang Bình có 4 hợp tác xã (HTX) tham gia tiêu thụ cam Sành vào hệ thống siêu thị VinMart (Hà Nội), gồm: HTX Nông nghiệp dịch vụ Hương Sơn (Quang Bình), HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, HTX Anh Tài (xã Vĩnh Hảo), HTX Dịch vụ nông nghiệp Giàn Thượng (xã Tiên Kiều) của huyện Bắc Quang với sản lượng tiêu thụ khoảng 42 tấn. Việc xúc tiến tiêu thụ cam vào hệ thống siêu thị VinMart là một bước tiến mới, tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu cam Sành Hà Giang. Tuy nhiên, quá trình này đang đối diện không ít khó khăn: Một số đơn đặt hàng quá ít, không đủ tải trọng xe và không thể đáp ứng được vì giá cước vận chuyển cao. Bên cạnh đó, người trồng cam dù đã được hướng dẫn thu hái quả nhưng quá trình vận chuyển đến kho chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, như: Cuống cắt dài, nhọn, tỷ lệ quả nhám, sẹo, dập vỡ từ 6 – 8%. Nguyên nhân, do các vườn cam Sành có độ dốc cao, toàn bộ việc thu hái, dán tem, đóng gói là thuê nhân công địa phương. Trong khi đó, số lao động nhiều nên các chủ vườn không thể giám sát toàn diện. Mặt khác, lượng tem dán truy xuất nguồn gốc sản phẩm do Nhà nước hỗ trợ còn hạn chế, không đủ dán hết 100% sản phẩm.

Cùng với bất cập trên, mấy năm gần đây, ta luôn gặp hình ảnh cam Sành rụng đồng loạt, nhuộm vàng góc vườn, khe suối hay sườn đồi. Thay vì bán sản phẩm ra thị trường thì người nông dân nghẹn lòng… đào hố chôn thành quả lao động, của chính mình. Sự việc đầy xót xa bắt đầu nhen nhóm từ niên vụ cam 2016 – 2017 đến nay. Riêng niên vụ cam 2019 – 2020, tại huyện Bắc Quang và Quang Bình, sản lượng cam rụng lên đến trên 15.000 tấn, khiến các nhà vườn thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đây là một trong những minh chứng đau lòng cho hệ lụy phát triển “nóng” vùng cam, khi cung vượt cầu và tồn tại tư duy sản xuất tiểu nông.

Lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng cam rụng đồng loạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đỗ Tấn Sơn cho biết: Do các đợt mưa dài ngày, quá trình thay đổi nhiệt độ đột ngột làm cây trồng bị sốc nhiệt, quả cam bị sốc nước (nhất là các cây cam có sức đề kháng kém), độ ẩm cao thuận lợi cho nấm, thối quả phát triển, dẫn đến quả bị rụng. Thời điểm này, cây cam Sành bắt đầu chuyển sang giai đoạn cho ra lộc xuân, vì vậy cây trồng cần huy động rất nhiều dinh dưỡng để hình thành các đợt lộc, nhưng cây vẫn nuôi quả, dẫn đến tranh chấp dinh dưỡng. Do vậy, cây trồng thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến quả rụng. Mặt khác, người dân không thực hiện kỹ thuật tỉa định quả, để số lượng quá lớn, lại không cung cấp dinh dưỡng cân đối cho cây nên ảnh hưởng đến quá trình nuôi quả. Hơn nữa, mật độ cây trồng quá dày, chưa thực hiện kỹ thuật cắt tỉa, dẫn đến thiếu ánh sáng, tạo điều kiện (ẩm độ cao) thuận lợi cho nguồn nấm (Phytopthora sp) gây rụng quả phát triển mạnh... Đặc biệt, một số hộ, nhất là những nhà vườn có tiềm lực về kinh tế còn tư tưởng giữ cam, chờ giá tăng cao mới bán, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi “đánh bạc” với thời tiết diễn biến khó lường. Trong khi đó, ngành Nông nghiệp đã nhiều lần khuyến cáo người dân không kéo dài thời gian thu hái, vì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển tự nhiên của cây và năng suất, sản lượng vụ tiếp theo…

Thực tế cho thấy, Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên là các huyện trọng điểm sản xuất cam Sành hàng hóa của tỉnh. Nhưng Vị Xuyên là địa bàn duy nhất chưa từng thiệt hại do cam rụng quả. Chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên Lê Thanh Hải đáng để các địa phương lưu tâm: Từ nhiều năm trước, huyện đã khuyến cáo nhân dân không mở rộng diện tích sản xuất cam Sành, tập trung cải tạo vườn già cỗi, đầu tư thâm canh, tránh hiện tượng cung vượt cầu.

Theo Báo Hà Giang điện tử